MSN "nổi sóng" giúp VN-Index bớt chìm sâu
Thị trường chứng khoán thế giới vẫn trong trạng thái tiêu cực nhưng VN-Index đã cho thấy tín hiệu lạc quan hơn. Dù lực bán vẫn nhiều nhưng càng về cuối phiên, tốc độ đi lùi của VN-Index càng hạn chế hơn. Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index dừng ở mức 891,44 điểm, giảm 1,87 điểm, tương đương 0,21%. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức khoảng 214 triệu cổ phiếu, tương đương 3.940 tỷ đồng được giao dịch thành công.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng không giảm quá mạnh. VN30-Index giảm 3,15 điểm, tương đương 0,38% xuống 835,97 điểm. Nhóm VN30 có gần 54 triệu cổ phiếu, tương đương 1.499 tỷ đồng được trao tay.
MSN là điểm sáng lớn nhất của nhóm VN30 nói riêng và cả thị trường nói chung. Đầu phiên, MSN giảm đáng kể xuống 50.100 đồng/CP nhưng tới cuối phiên, cổ phiếu này bất ngờ tăng trần, tăng 3.500 đồng/CP lên 54.400 đồng/CP.
Cùng với MSN, chỉ một vài blue-chips duy trì được sắc xanh. CTD tăng 2.800 đồng/CP lên 70.000 đồng/CP. BID tăng 200 đồng/CP lên 46.850 đồng/CP. NVL tăng 100 đồng/CP lên 54.000 đồng/CP. HPG tăng 50 đồng/CP lên 22.400 đồng/CP. VCB tăng 1.400 đồng/CP lên 84.500 đồng/CP. STB tăng 50 đồng/CP lên 12.250 đồng/CP. Có thể thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dần lấy lại sức mạnh.
AMD cũng là một trong những mã được chú ý. Sau khi có thông tin sáp nhập và BAG, AMD có chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp. Đóng cửa phiên 6/3, AMD dừng ở mức 3.060 đồng/CP sau khi tăng 200 đồng/CP. Dư mua trần AMD lên tới hơn triệu cổ phiếu, cao hơn nhiều so với 1,28 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong ngày hôm nay.
QCG của Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai từ lâu đã bị giới đầu tư lãng quên. Thế nhưng, thời gian này, QCG âm thầm đi lên. Đóng cửa phiên giao dịch 6/3, QCG tăng 390 đồng/CP lên 5.970 đồng/CP. QCG ghi nhận chuỗi 7 phiên tăng trần liên tiếp.
Sàn Hà Nội đi xuống sâu hơn sàn TP.HCM. HNX-Index giảm 1,37 điểm, tương đương 1,19% xuống 113,66 điểm. HNX30-Index giảm 1,89 điểm, tương đương 0,9% xuống 208,83 điểm. UpCOM-Index giảm 0,04 điểm, tương đương 0,06% xuống 55,42 điểm.
SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư sau chuỗi ngày tăng rất mạnh. Tuy nhiên, hôm nay, SHB không giữ được sức nóng. Dù tăng mạnh đầu phiên nhưng cuối phiên, SHB giảm 500 đồng/CP xuống 12.400 đồng/CP. Thanh khoản giảm sâu xuống hơn 22,2 triệu đơn vị. Dù vậy, đây vẫn là con số rất lớn.