Muốn miễn trừ biện pháp chống bán phá giá đường Thái Lan, doanh nghiệp cần làm gì?

Thanh Phong Thứ tư, ngày 24/02/2021 19:30 PM (GMT+7)
Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã có thông tin chính thức về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đường Thái Lan.
Bình luận 0

Ngày 09/02/2021, Bộ trưởng Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (mã số vụ việc: AD13-AS01).

Theo đó, một số sản phẩm đường mía bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời thuộc các mã HS: 1701.13.00; 1701.14.00 và 1701.99.10, 1701.99.90; 1701.91.00 và 1702.90.91.

Muốn miễn trừ biện pháp chống bán phá giá đường Thái Lan, doanh nghiệp cần làm gì? - Ảnh 1.

Đường có xuất xứ Thái Lan đang bị áp thuế ở mức 33,88%.

Tuy nhiên, theo điều 10 Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (Thông tư 37/2019/TT-BCT) quy định như sau:

"Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Hàng hóa trong nước không sản xuất được;

2. Hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;

3. Hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;

4. Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường;

5. Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước;

6. Hàng hóa nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác"

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các doanh nghiệp nhận thấy có thể đáp ứng điều kiện được miễn trừ biện pháp chống bán phá giá cần nộp hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Cụ thể, các doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị miễn trừ tới Cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc tới Cục Phòng vệ thương mại trước 17h ngày 26/03/2021.

Trước đó, Bộ Công Thương Việt Nam đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô ở mức 33,88%.

Ngay sau động thái trên, chính phủ Thái Lan nhận định rằng các nhà xuất khẩu của nước này đang có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh Việt Nam vì có chi phí sản xuất đường thấp hơn.

Muốn miễn trừ biện pháp chống bán phá giá đường Thái Lan, doanh nghiệp cần làm gì? - Ảnh 2.

Tình trạng đường lậu tràn lan đã gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước nhiều năm qua.

Bộ Công Thương Thái Lan cho biết, cơ quan này đang lên kế hoạch cho chiến lược của họ sau khi báo chí đưa tin Việt Nam đã phát động và tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề này. Và theo hồ sơ đã có trong tay thì việc phản ứng với cáo buộc này là có cơ sở.

Ông Ekapat Wangsuwan, Tổng thư ký Ủy ban Mía đường Thái Lan (OCSB), động thái mới loan đi của Việt Nam đang buộc Thái Lan phải thu thập các thông tin thương mại để làm rõ bất kỳ sự nghi ngờ nào.

"Chúng tôi không thể cung cấp thêm chi tiết vào lúc này bởi vì mía đường là một vấn đề nhạy cảm đối với mỗi quốc gia. Chúng tôi phải cân nhắc xem Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo", ông Ekapat nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem