Nghịch lý: Doanh nghiệp mía đường điêu đứng hậu Hiệp định ATIGA, cổ phiếu vẫn tăng 70%

25/01/2021 15:38 GMT+7
Trước thông tin Bộ Công Thương khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan, loạt cổ phiếu ngành mía đường bức tốc mạnh mẽ.

Ngành mía đường Việt Nam ngốn khá nhiều giấy mực của giới phân tích, bởi liên tiếp hứng chịu những khó khăn “cực chẳng đã” bủa vây từ bên ngoài. Trước Hiệp định ATIGA là vấn nạn đường lậu giá rẻ tràn lan mọi ngõ ngách thị trường, đường chất lượng kém không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn càn quấy doanh nghiệp sản xuất chân chính. Sau Hiệp định ATIGA lại dội thêm phong vũ từ đường nhập khẩu có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Sức ép lên ngành mía đường

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn La, cho biết: Hoạt động sản xuất mía đường ở Sơn La gặp phải không ít khó khăn. Chúng tôi không chỉ đối mặt với những khó khăn do nạn hàng giả, hàng nhập lậu, gian lận thương mại (đường tinh luyện, đường cát trắng, đường thô - pv), mà từ 1/1/2020 Hiệp định ATIGA có hiệu lực đối với mặt hàng đường, hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN không bị quản lý bằng hạn ngạch và chỉ chịu thuế suất 5%.

Đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Thái Lan được sự bảo hộ của chính phủ nên giá bán rất thấp. Mặt hàng đường của Việt Nam tuy chất lượng tốt nhưng giá cả khó cạnh tranh với thế giới là bởi hoạt động sản xuất mía chủ yếu bằng thủ công, chi phí thu hoạch, vận chuyển quá lớn, trong khi đó chi phí về mía chiếm tối thiểu 80% (tùy nhà máy) trong giá thành sản phẩm đường. Cuộc cạnh tranh không cân sức giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu dẫn đến rất nhiều nhà máy đường trong nước đã phải đóng cửa.

Cổ phiếu mía đường tăng hơn 70% sau thông tin Bộ Công thương áp thuế phòng vệ thương mại - Ảnh 1.

Sản lượng mía và đường vụ mía 2019-2020 của nhiều nhà máy đường giảm mạnh

Tương tự, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, thừa nhận một thực tế, Hiệp định ATIGA đã có nhiều tác động gây khó khăn cho ngành sản xuất mía đường trong nước.

Giá đường thấp đã làm cho giá mía tụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu; thu nhập của người trồng mía tụt giảm, diện tích mía bị thu hẹp (chỉ còn lại 30% so với 5 năm trước đây), năng suất, chất lượng mía chưa được cải thiện, nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT TTC Sugar mong muốn Nhà nước, các nhà máy cần có giải pháp để làm sao vực dậy ngành mía đường. Từ trước khi hội nhập theo Hiệp định ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy mía đường phía Bắc. Có khoảng 300.000 ha mía đường, 300.000 nông dân. Nhưng hiện nay, chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy đóng cửa. Trong 30 nhà máy đó, chỉ có 13 nhà máy còn hoạt động xoay vòng vốn, 17 nhà máy đang thua lỗ. Nói về nông dân, hiện nay còn dưới 170.000 người.

"Vào những năm 2015-2016, cả Việt Nam có thể sản xuất 1,5 - 1,6 triệu tấn mía đường, nhưng hiện nay chỉ sản xuất được 700.000 tấn, trong khi dự kiến, hết năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 1,2 triệu tấn. Đó là điều bất hợp lý cho nông dân, nhà máy và doanh nghiệp", ông Dương nói.

 Áp thuế phòng vệ thương mại đường nhập khẩu, cổ phiếu mía đường vụt tăng

Trước thực tế trên, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 14/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới nhằm đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng cho ngành đường và nông dân trồng mía.

Trên cơ sở đó, tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan. Nhiều chuyên gia nhận định, Bộ Công Thương khởi xướng điều tra như "tia sáng cuối đường hầm" với ngành mía đường Việt Nam.

Đáng chú ý, trước thông tin trên, cổ phiếu mía đường có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đơn cử như đối với Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT), thời điểm cuối tháng 9/2020 cổ phiếu SBT vẫn đang nằm ở vùng giá 14.000 đồng/cp. Sau khi có tin Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan giá cổ phiếu SBT đã nhanh chóng tăng lên 16.000 đồng/cp trong tháng 10/2020 và chốt phiên giao dịch ngày 22/1 ở mức 24.000 đồng/CP, tương ứng mức tăng hơn 71%.

Tương tự, cổ phiếu LSS của Mía đường Lam Sơn cũng nhảy vọt gấp hơn 2 lần, hiện giao dịch tại mức 11.900 đồng/cp so với mức 6.000 đồng/cp hồi cuối tháng 9/2020. Mía đường Sơn La (SLS) cũng tăng 82% từ mức 50.000 đồng/cp lên mức 91.000 đồng/cp.

Cổ phiếu mía đường tăng hơn 70% sau thông tin Bộ Công thương áp thuế phòng vệ thương mại - Ảnh 3.

Nhiều khả năng trong thời gian tới, mức thuế nhập khẩu đối với đường thô và đường trắng sẽ được điều chỉnh lên với tỷ lệ phù hợp để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, hài hoà lợi ích nhiều bên

Bên cạnh đó, diễn biến giá cổ phiếu mía đường bứt phá sau thời gian giảm hoặc đi ngang trong bối cảnh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này có sự cải thiện đáng kể vào quý I niên độ tài chính 2020-2021.

Theo Báo cáo tài chính quý 1 niên độ 2020-2021 của SBT cho thấy, SBT ghi nhận doanh thu đạt 3.656 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 134 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 99 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ..

Đối với Mía đường Sơn La, doanh thu quý I đạt 109 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, tuy nhiên lãi sau thuế đạt 15 tỷ đồng, tăng 7%. Về đường Lam Sơn, quý I báo lãi ròng đạt 1,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đạt 608 tỷ đồng.

Đại diện các doanh nghiệp mía đường cho biết, đứng trước thách thức và những khó khăn hiện tại, các  công ty đã sớm có những ứng phó với ATIGA như chuyển hướng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ngành mía đường trong thời gian tới còn rất nhiều khó khăn, đơn cử trong như đại dịch covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp, tình hình kinh doanh doanh nghiệp còn đó nhiều thử thách, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực, thì việc Chính phủ, Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến trình áp Thuế phòng vệ thương mại sẽ hỗ trợ rất nhiều cho tiến trình hồi phục và phát triển của các doanh nghiệp ngành mía đường.






Quang Dân
Cùng chuyên mục