Mỹ dẫn đầu gây sức ép, buộc Trung Quốc minh bạch nợ với các nước nghèo

23/08/2020 14:42 GMT+7
Trung Quốc đang đối diện với áp lực lớn trong việc minh bạch các khoản vay nợ, hoãn nợ cho các nước nghèo, đặc biệt là một số quốc gia Châu Phi trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11 tới đây.
Mỹ dẫn đầu gây sức ép, buộc Trung Quốc minh bạch nợ với các nước nghèo - Ảnh 1.

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của các quốc gia đang phát triển, theo báo cáo “China’s Overseas Lending: A Response to Our Critics”

Các nền kinh tế G7 dẫn đầu là Mỹ mới đây đã cáo buộc Trung Quốc không minh bạch trong các thỏa thuận vay nợ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí chỉ trích việc vay tiền từ Trung Quốc sẽ tạo thành gánh nặng nợ bất ổn với các nước nghèo và tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.

Áp lực với Trung Quốc đã tăng lên từ tháng 7, khi chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, người được bổ nhiệm bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã tuyên bố các điều khoản trong Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (Debt Service Suspension Initiative) của Ngân hàng thế giới (WB) và nhóm G20 cần được tiết lộ minh bạch. Theo phân tích nợ quốc tế 2020 được công bố bởi World Bank, các khoản vay mà Trung Quốc dành cho 68 quốc gia đang phát triển trong sáng kiến này đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2014-2018.

Việc minh bạch các điều khoản cho vay theo sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ “sẽ tránh được hiện tượng điều khoản bí mật được tiến hành ở một số quốc gia, chẳng hạn như Angola và Lào, nơi mà thời gian và điều khoản ân hạn nợ thường không được tiết lộ”.

Phần lớn những chỉ trích thiếu minh bạch nhằm vào các cuộc đàm phán nợ giữa Trung Quốc - Lào và Trung Quốc - Angola. Angola hiện là quốc gia Châu Phi nhận nhiều khoản vay từ Trung Quốc nhất, với số tiền lên tới 43,2 tỷ USD, tương đương 29% tổng số nợ mà Bắc Kinh cho Châu Phi vay từ năm 2000-2018; theo số liệu Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins ở Washington.

Còn với trường hợp của Lào, khoản nợ Trung Quốc hiện đã lên tới 45% tổng GDP quốc gia. Lào mới đây đã phải kiến nghị chính phủ Trung Quốc giúp đỡ tái cơ cấu các khoản vay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế.

Theo các nhà quan sát, tại cuộc họp tháng 11 tới đây, G20 nhiều khả năng sẽ thảo luận về việc có nên gia hạn sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ để tạm hoãn các khoản thanh toán sắp đến hạn vào năm tới hay không. Trong trường hợp như vậy, Trung Quốc sẽ bị đắt dưới áp lực đồng ý gia hạn nợ và cải thiện tính minh bạch của các khoản nợ. Nếu sáng kiến được gia hạn đến năm 2021, Trung Quốc sẽ buộc phải từ bỏ phần lớn các khoản thanh toán nợ đáng lẽ sẽ đến hạn trong năm nay và năm sau.

Hannah Ryder, giám đốc công ty tư vấn phát triển quốc tế Development Reimagined nhận định: “Quan điểm chính thức của chính phủ Bắc Kinh là Trung Quốc sẽ luôn đáp ứng và hỗ trợ các quốc gia yêu cầu hoãn các khoản vay. Nhưng quá trình cân nhắc có thể sẽ mất thời gian”.

Còn Scott Morris, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Washington) thì cho rằng các nước G7 đã phối hợp tốt trong việc đình chỉ nợ và công khai điều khoản nợ, nhưng “Trung Quốc đã không làm tốt như vậy”. Cho đến nay, 27 quốc gia nghèo đã được chấp thuận tham gia sáng kiện đình chỉ dịch vụ nợ, nhưng Trung Quốc và cả các quốc gia này đều không công khai chi tiết các khoản giảm trừ nợ.

Báo cáo “China’s Overseas Lending: A Response to Our Critics” được công bố hồi đầu tháng 5 bởi Trung tâm vì Sự phát triển Toàn cầu, một viện nghiên cứu có trụ sở Washington, Mỹ đã chỉ ra rằng Trung Quốc cho đến nay là chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển. Do vậy, bất kỳ nỗ lực giãn nợ, đình chỉ nợ hay giảm nợ nào cho các quốc gia nghèo sau dịch Covid-19 đều cần nhận được sự phối hợp tích cực từ Bắc Kinh. “Nhu cầu minh bạch nợ cũng phải được ưu tiên hàng đầu để đảm bảo rằng việc giảm trừ nợ được tiến hành để hỗ trợ các quốc gia trong dịch Covid-19 thay vì để trả các khoản vay từ trước đó với Trung Quốc”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục