Lo người dân vỡ nợ, dịch vụ thu hồi nợ mọc lên như nấm tại Trung Quốc

13/08/2020 19:26 GMT+7
Khi dịch Covid-19 dần qua đi tại Trung Quốc, dịch vụ đòi nợ lại bùng nổ như nấm sau mưa - một dấu hiệu không hề tốt đẹp cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lo người dân vỡ nợ, dịch vụ thu hồi nợ mọc lên như nấm tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Dịch vụ thu hồi nợ mọc lên như nấm sau mưa tại Trung Quốc từ dịch Covid-19

Whole Scene Asset Management, một công ty thu hồi nợ có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc hiện đang có kế hoạch mở rộng gấp đôi quy mô nhân viên lên 400 người trong năm nay nhằm bành trường hoạt động sang các thành phố khác.

Zhang Haiyan, người sáng lập Whole Scene Asset Management cho hay: “Các công ty đòi nợ đang mọc lên như nấm sau mưa. Với những khoản nợ xấu phình to trong năm nay, người ta đang tìm kiếm những cánh tay đắc lực (để hỗ trợ thu hồi nợ)”.

Một nguồn tin khác cho hay Bricsman, đối thủ của Whole Scene Asset Management hiện cũng đang tăng cường tuyển dụng với tham vọng tăng quy mô nhân viên từ 400-500 người lên khoảng 1.000 người trong năm nay ngay sau khi ký kết xong thỏa thuận thu các khoản vay tiêu dùng quá hạn cho Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc (China Minsheng Bank). Công ty thu hồi nợ Bricsman có trụ sở tại tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc và hiện đang là đối tác của nhiều ngân hàng lớn tại Trung Quốc đại lục.

Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng phải vật lộn với nguy cơ mất thu nhập do hệ lụy của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, làn sóng quan ngại về các khoản vay khó thu hồi ngày càng tăng lên cả với các công ty tài chính tiêu dùng và ngân hàng thương mại.

Joe Zhang, một nhà tư vấn kinh doanh đồng thời là Cựu Phó Chủ tịch công ty thu hồi nợ lớn nhất Trung Quốc YX Asset Recovery cho hay nước này đang “đứng giữa một cuộc khủng hoảng nợ bùng phát”.

Ngay từ tháng 2/2020, thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát ở quốc gia này, số lượng thẻ tín dụng quá hạn thanh toán đã tăng vọt 50% so với cùng kỳ năm ngoái, theo một nguồn tin của Bloomberg. Qudian, một công ty cho vay trực tuyến có trụ sở tại Bắc Kinh cũng cho biết tỷ lệ nợ quá hạn đã tăng từ 13% hồi tháng 12/2019 lên 20% trong tháng 2/2020.

Ông Joe Zhang nhận định tỷ lệ nợ tiêu dùng quá hạn thanh toán đang ngày một tăng cao và việc thu hồi các khoản vay nợ ngày càng trở nên khó khăn. Với một số tổ chức cho vay tiêu dùng phi ngân hàng, các khoản nợ quá hạn chi trả thậm chí đang lên tới 30-50% danh mục cho vay. Điều này đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong và dòng tiền của các công ty cho vay tiêu dùng, các tổ chức tài chính vốn được xem là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng đại dịch.  

Trong lần gần nhất ghi nhận nợ xấu, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cho hay tỷ lệ nợ tiêu dùng quá hạn thanh toán đã tăng 0,13% trong quý I năm nay. Nhưng đây chỉ là số liệu tính toán trên các khoản vay ngân hàng chứ chưa mở rộng ra các công ty tài chính tiêu dùng trên toàn đất nước.

Chính các ngân hàng Trung Quốc cũng đang quan ngại về tình trạng nợ xấu. Một nguồn tin của SCMP cho hay Ngân hàng Thượng Hải vừa qua báo cáo tỷ lệ nợ xấu tiêu dùng tăng vọt trong quý I, buộc họ phải “giảm mức độ tiếp cận trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng bằng cách cắt giảm mảng kinh doanh cho vay tiêu dùng”.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nợ tiêu dùng của Trung Quốc đã phình to trong 5 năm gần đây do các ngân hàng nở rộ dịch vụ phát hành thẻ tín dụng. Một ước tính cho thấy dư nợ trong mảng tín dụng ngân hàng đã tăng gấp đôi lên mức 17,6 nghìn tỷ NDT (2,5 nghìn tỷ USD). Nợ hộ gia đình bao gồm các khoản thế chấp và vay tiêu dùng không đảm bảo thì tăng vọt từ mức 18% GDP năm 2008 lên 60% GDP năm 2019.

Một nguồn tin khác từ Ngân hàng ShangCheng Thượng Hải thì cho biết: “Hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng phi ngân hàng được cấp phép tại Trung Quốc đều thua lỗ trong nửa đầu năm”, đồng thời cảnh báo các công ty nhỏ phải đối diện với áp lực lớn từ việc bơm vốn để duy trì hoạt động hoặc xóa bỏ số nợ xấu khó đòi khổng lồ.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục