Mỹ, Trung Quốc ráo riết thu mua, Việt Nam thu ngay 2,5 tỷ USD nhờ bán đủ loại tôm, cá

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 22/04/2022 06:32 AM (GMT+7)
Sức mua tăng mạnh chưa từng có ở thị trường Mỹ, Trung Quốc giúp xuất khẩu thủy sản trong quý I/2022 đạt 2,5 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021, là quý I có trị giá xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Bình luận 0

Trung Quốc tăng mua thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 3/2022 đạt 1,02 tỷ USD, tăng 38,6% so với tháng 3/2021 nhơ sức mua tăng mạnh từ thị trường Mỹ, Trung Quốc.

Tính chung trong quý I/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 2,5 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021, là quý I có trị giá xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay. Đây là tín hiệu khả quan đối với ngành xuất khẩu thủy sản trong năm 2022.

 Tháng 3 và quý I/2022, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường lớn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 khi các nền kinh tế đã tiến tới thích ứng “sống chung” với đại dịch. 

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 3/2022, kim ngạch đạt 288,9 triệu USD, tăng 56,8% so với tháng 3/2021. Quý I/2022, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 574,4 triệu USD, tăng 71,4% so với cùng kỳ năm 2021. 

Đáng chú ý, tháng 3 và quý I/2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, mặc dù nước này vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu “Zero Covid-19”, siết chặt quy trình nhập khẩu thực phẩm và phong tỏa nhiều tỉnh, thành phố. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, điều này cho thấy triển vọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc sẽ khả quan trong năm 2022.

Xuất khẩu cá tra lập kỷ lục: Khuyến cáo dân thận trọng  mở rộng vùng nuôi! - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản đạt 2,5 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ sức mua tăng mạnh từ thị trường Mỹ, Trung Quốc. (Trong ảnh: Thu hoạch cá tra ở Cần Thơ. Ảnh: VASEP)

 Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chú ý khi vẫn có lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về vì phát hiện SAR-CoV-2. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cảnh báo nhiều lô hàng thủy sản về chỉ tiêu phosphate (cá, tôm đông lạnh, mực khô); bệnh thủy sản IHHNV, WSSV (tôm đông lạnh); kháng sinh cấm Chloramphnicol (ốc hương sống), Cadmium (cá cơm khô, tôm sú sống). 

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam các tháng tới sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, thẻ vàng IUU tại châu Âu, giá cước vận tải, giá xăng dầu, chi phí đầu vào sản xuất tăng… 

Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát cao đã có những tác động đến nhu cầu tiêu dùng hàng thủy sản toàn cầu, khiến nhu cầu nhập khẩu của một số quốc gia chậm lại.

Trong khi đó, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) dự đoán, với tình hình xuất khẩu khả quan như hiện nay, xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ có thể đạt được mục tiêu đề ra là 9 tỷ USD.

Mỹ mua nhiều thủy sản của Việt Nam và Trung Quốc

Theo số liệu thống kê từ NMFS, nhập khẩu thủy sản của Mỹ trong tháng 2/2022 đạt 262.000 tấn, trị giá 2,37 tỷ USD, tăng 21,2% về lượng và tăng 46,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thủy sản của Mỹ đạt 558.000 tấn, trị giá 5,01 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 38,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 2/2022, nhập khẩu thủy sản của Mỹ từ các thị trường lớn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. 

Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ vẫn ở mức cao, mặc dù giá thủy sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. 

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 về trị giá và lớn thứ 3 về lượng cho Mỹ trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022. 

Lượng xuất khẩu tăng 18,2% đã giúp thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 8,8% trong 2 tháng đầu năm 2021, lên 9,2% trong 2 tháng đầu năm 2022

 Trong thời gian tới, nhập khẩu thủy sản của Mỹ từ thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi nước này quyết định khôi phục lại chính sách miễn thuế (mức thuế lên tới 25%) đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có cá bơn Alaska, thịt cua tuyết, cua huỳnh đế, cua Thái Bình Dương, các sản phẩm thịt cua đông lạnh khác và cá tuyết chấm đen

Trong tháng 2/2022, nhập khẩu các mặt hàng thủy sản lớn của Mỹ như tôm, cá hồi, cá ngừ, cá rô phi, cá da trơn, cá tuyết, cá trích, mực và cua đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, Mỹ tăng nhập khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản, trừ nhập khẩu cá tuyết giảm nhẹ. 

Nhập khẩu tôm và cá da trơn của Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2022 cũng tăng trưởng khả quan với mức tăng trưởng 2 con số. Đây là 2 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem