Mỹ và phương Tây vận chuyển vũ khí đến tay từng binh sĩ Ukraine như thế nào?

Lê Phương (NY Times; The Conversation) Thứ tư, ngày 20/04/2022 13:03 PM (GMT+7)
Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) đang tài trợ cho việc mua và chuyển giao vũ khí cũng như trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Một số nước phương Tây khác cũng cam kết hỗ trợ hết mình. Nhưng câu hỏi đặt ra là họ làm điều đó như thế nào trong bối cảnh Nga tiến hành các cuộc tấn công dữ dội?
Bình luận 0

Mỹ và phương Tây đã cung cấp cho Ukraine những gì?

Mỹ và phương Tây vận chuyển vũ khí đến tay từng binh sĩ Ukraine như thế nào? - Ảnh 1.

Các thành viên quân đội Ukraine đang kiểm tra tên lửa chống tăng Javelin ở Kiev vào tháng Hai. Các tên lửa này là một phần của gói hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh quân đội Nga bắt đầu đổ vào Ukraine gần hai tháng trước, Mỹ cùng các đồng minh đã cung cấp cho Kiev một lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự: Súng bắn tỉa, mũ bảo hiểm, bộ dụng cụ y tế, thông tin liên lạc được mã hóa, rất nhiều đạn và tên lửa Stinger, Javelin xách tay, vác vai...

Ukraine đã giữ vững thủ đô của mình và đẩy lùi lực lượng Nga từ phía bắc. Giờ đây, khi Điện Kremlin chuyển hướng và bắt đầu nỗ lực phối hợp nhằm chiếm miền đông Ukraine, Washington cùng các đồng minh cũng đang xoay trục, liên tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí lớn hơn và tiên tiến hơn để tự vệ trong một cuộc chiến khốc liệt.

Phương Tây tập trung vào việc gửi vũ khí tầm xa như pháo, hệ thống phòng không, tên lửa chống hạm, máy bay không người lái có vũ trang, xe tải bọc thép, tàu sân bay chở quân và thậm chí cả xe tăng - loại vũ khí mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đã được thiết kế riêng để ngăn chặn "cuộc tấn công quy mô lớn của Nga ở miền đông Ukraine".

"Nguồn cung cấp vũ khí ổn định sẽ đảm bảo rằng Tổng thống Nga Putin thất bại trong cuộc chiến nhằm chinh phục và kiểm soát Ukraine", ông Biden nói vào tuần trước. "Chúng tôi chưa thể nghỉ ngơi được".

Trong cuộc gọi video với các đồng minh vào 19/4, ông Biden nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ gửi thêm pháo tới Ukraine. Ông dự kiến sẽ công bố một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong những ngày tới, theo một vị trợ lý giấu tên. Người này cho biết số tiền viện trợ sẽ ngang bằng với gói vũ khí và pháo 800 triệu USD được công bố vào tuần trước.

Một số quốc gia châu Âu cũng viện trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine, tuy nhiên họ không muốn công khai chi tiết, bởi điều này có thể "chọc giận" Nga.

Pháp cho biết họ đã cung cấp 100 triệu euro thiết bị quân sự cho Ukraine, nhưng không nói rõ họ đã gửi những gì. Trong khi đó, có nguồn tin cho rằng Ba Lan đã cung cấp hơn 100 xe tăng T-72 và T-55 từ thời Liên Xô cho Ukraine, tuy nhiên nước này từ chối xác nhận bất kỳ lô hàng nào như vậy.

Không phải tất cả các quốc gia đều như thế, chính phủ Séc cho biết họ đã cung cấp cho Ukraine xe tăng T-72 và xe bọc thép BMP-1, trong khi chính phủ Slovakia đã thể hiện quan điểm rõ ràng việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 từ thời Liên Xô.

Robert M. Gates, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết: "Chúng tôi thực sự không có thời gian để đưa nhiều thiết giáp hạng nặng của Mỹ vào Ukraine và cũng không có thời gian để huấn luyện quân đội Ukraine học cách sử dụng chúng. Tuy nhiên có rất nhiều thiết bị quân sự của Liên Xô cũ vẫn còn trong kho vũ khí của các quốc gia Đông Âu".

Lầu Năm Góc cho biết, đó chính xác là những gì Mỹ đang cố gắng làm, đồng thời mô tả nỗ lực của họ trong việc thuyết phục Slovakia cung cấp thêm hệ thống tên lửa S-300 cho Ukraine. Vào ngày 9/3, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã đàm phán việc này với Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia, Jaroslav Nad.

Các cuộc thảo luận tương tự cũng đang diễn ra với các đồng minh khác có vũ khí và đạn dược từ thời Liên Xô, các quan chức cho biết. 

Mỹ và phương Tây vận chuyển vũ khí đến tay từng binh sĩ Ukraine như thế nào? - Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine kéo một chiếc xe tăng Nga từ một cánh đồng gần làng Lypivka, phía tây Kiev, hôm 15/4. Ảnh: NYTIMES

Mỹ cho biết họ cũng đang thảo luận với những người đồng cấp Ukraine về những gì Kiev muốn và cần, cũng như những thứ mà các nước phương Tây nghĩ rằng họ có thể cung cấp tốt nhất.

Lầu Năm Góc thúc giục các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu làm việc hết công suất. Cho đến nay, khoảng 7.000 chiếc Javelin đã được trao cho Ukraine, chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng vũ khí tồn kho của Mỹ, Mark F. Cancian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington viết.

Tuần trước, Lầu Năm Góc đã gặp gỡ lãnh đạo của 8 nhà thầu quân sự lớn, như Công ty Raytheon và Tập đoàn Lockheed Martin, để thảo luận về cách khắc phục mọi vấn đề về nguồn cung - cả để bổ sung cho kho vũ khí Mỹ đã bị rút ra để giúp Ukraine. Hai công ty cùng nhau chế tạo Javelin, và Raytheon chế tạo Stinger.

Mỹ đã chi khoảng 2,6 tỷ USD để viện trợ Ukraine kể từ khi chiến sự bắt đầu vào ngày 24/2, trong khi EU đã cung cấp 1,5 tỷ euro, tương đương 1,6 tỷ USD. 

Trong thời gian vừa qua, Mỹ và các đồng minh cũng gửi cho Ukraine 25.000 vũ khí phòng không và 60.000 vũ khí chống tăng, trong đó có 10.000 vũ khí do Washington cung cấp, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói với Quốc hội vào tuần trước.

Mỹ cung cấp hơn 50 triệu viên đạn, 7.000 vũ khí cỡ nhỏ, 75.000 bộ áo giáp và mũ bảo hiểm, kính nhìn đêm, radio mã hóa, xe tải bọc thép và tàu sân bay, phần lớn được lấy từ các kho dự trữ quân sự được bố trí sẵn của Mỹ ở châu Âu, theo danh sách mới nhất từ Lầu Năm Góc.

Anh, quốc gia công khai về những đóng góp của mình trong thời kỳ hậu Brexit, đã cung cấp khoảng 588 triệu USD vũ khí, bao gồm tên lửa chống tăng, chống hạm và pháo tầm xa.

Tuy nhiên, huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng những thiết bị mới giữa cuộc chiến là một thách thức. Khoảng một chục binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện tại Mỹ để vận hành thành thạo các máy bay không người lái vũ trang hiện đại, chẳng hạn như 700 máy bay không người lái Switchblade mà Washington hiện đang cung cấp.

Các máy bay không người lái vũ trang lớn hơn, như Predator hoặc Reapers do Mỹ sản xuất, có thể sẽ khó sử dụng hơn và dễ dàng bị máy bay chiến đấu của Nga tiêu diệt. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ có các máy bay không người lái kamikaze nhỏ, di động, tiết kiệm chi phí hơn và khó phát hiện hơn bởi các đoàn xe bọc thép của Nga.

Sau khi Nhà Trắng công bố lô vũ khí trị giá 800 triệu USD mới nhất cho Ukraine vào tuần trước, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng binh sĩ Mỹ sẽ huấn luyện các lực lượng Ukraine ở các nước láng giềng cách sử dụng một số thiết bị mới hơn, tinh vi hơn mà Washington đang cung cấp, như hệ thống radar, cũng như pháo 155mm và 11 trực thăng Mi-17.

"Thời gian không còn nhiều, mọi kế hoạch cần phải được tiến hành khẩn trương", ông nói.

Các nước phương Tây vận chuyển vũ khí cho Ukraine như thế nào?

Những lô hàng viện trợ quân sự mà Ukraine cần sẽ được lưu trữ tại các căn cứ của Mỹ trên khắp châu Âu. Sau khi vũ khí và thiết bị được rút khỏi các kho dự trữ này, chúng sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không, xe tải hoặc đường sắt trong "dặm đầu tiên (the first mile)". 

Chiều dài của "dặm đầu tiên" có thể lên đến 1.000km, tới một hoặc nhiều địa điểm trong lãnh thổ NATO giáp với phía tây hoặc tây nam Ukraine, bao gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania.

Các hoạt động di chuyển dọc theo "dặm đầu tiên" trong lãnh thổ NATO sẽ cần được che giấu để tối đa hóa an ninh và ngăn Nga dự đoán điểm đến của lô hàng.

Mỹ và phương Tây vận chuyển vũ khí đến tay từng binh sĩ Ukraine như thế nào? - Ảnh 3.

Những người lính Ukraine đang chất các hộp tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất lên một chiếc xe tải. Ảnh: Getty

Theo thuật ngữ quân sự, điểm đến đầu tiên được gọi là "khu vực tập trung (staging area)". Để duy trì an ninh cho kho vũ khí, khu vực này có thể sẽ là một nhà kho nằm trong một căn cứ của NATO trước khi vận chuyển vào Ukraine. Các nhà lãnh đạo Mỹ, NATO và Ukraine phải quyết định xem liệu họ sẽ sử dụng một khu vực tập trung duy nhất hay thiết lập nhiều khu.

Quyết định này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là những vũ khí sẽ được chuyển tới đâu ở Ukraine, tình trạng đường giao thông như thế nào, hay làm sao để tránh bị lực lượng Nga phát hiện,....

Phương án chỉ dùng một khu vực tập trung sẽ tương đối đơn giản và dễ thực hiện, tuy nhiên có rủi ro là Nga có thể dễ dàng tấn công và làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế. Mặt khác, việc sử dụng nhiều khu vực sẽ phức tạp và khó thực hiện hơn nhưng làm giảm nguy cơ gián đoạn nguồn tiếp tế.

Khi quyết định về khu vực tập trung được đưa ra, các nhà tổ chức sẽ lập kế hoạch điều phối việc chuyển giao vũ khí, trang thiết bị cho quân đội Ukraine. Tại thời điểm đó, Ukraine sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển lô hàng từ quốc gia NATO đến tập hợp tại các khu vực tiếp theo bên trong Ukraine (dặm giữa - the middle mile) .

Đây là giai đoạn khó khăn nhất bởi lô hàng có thể bị lực lượng Nga phát hiện trên đường vận chuyển.

Việc NATO từ chối thiết lập vùng cấm bay cho phép Nga duy trì ưu thế trên không so với Ukraine. Điều này ngăn cản Ukraine vận chuyển nguồn cung cấp bằng đường hàng không và do đó, người Ukraine buộc phải sử dụng các đoàn xe để đi từ biên giới phía Tây đến địa điểm tiếp theo. Ưu thế trên không của Nga cũng ngăn cản việc triển khai một đoàn xe lớn để vận chuyển tiếp tế vì máy bay trực thăng tấn công hoặc máy bay chiến đấu của Nga có thể dễ dàng tiêu diệt một mục tiêu lớn như vậy.

Thay vào đó, vũ khí và thiết bị có thể sẽ được chia thành các lô hàng nhỏ hơn và vận chuyển theo nhiều đoàn. Đây là một trong những cách để giảm nguy cơ bị Nga tấn công gây rối.

Ukraine không thể sử dụng máy bay trực thăng để bảo vệ các đoàn xe do ưu thế trên không của Nga, vì vậy nước này phải bảo vệ các đoàn xe vận chuyển bằng tên lửa đất đối không, chẳng hạn như Stingers mà Mỹ đang cung cấp. Tuy nhiên, họ cần phải ở đủ xa các con đường để không khiến các đoàn xe bị tấn công từ trên không một cách không cần thiết.

Đoàn xe cũng sẽ cần các yếu tố an ninh bên trong, bao gồm vũ khí chống tăng như Javelins, vũ khí gắn trên xe hoặc binh sĩ hộ tống riêng để đảm bảo an ninh. Điều này sẽ cho phép đoàn xe tự vệ trước bất kỳ cuộc tấn công trên mặt đất nào khi cố gắng tiếp cận các địa điểm ở Ukraine.

Các đoàn xe cũng cần những đơn vị có thể dọn dẹp bất kỳ chướng ngại vật nào trên đường, ví dụ như ô tô bị cháy hoặc xe tăng bị phá hủy, để đảm bảo lô hàng có thể tiếp tục di chuyển đến đích.

Khi một đoàn xe đến khu vực tập kết cuối cùng, các lô hàng sẽ được chia nhỏ hơn nữa để phân phối cho những người lính chiến đấu trên tiền tuyến (dặm cuối - the final mile).

"Dặm cuối" nằm trong khu vực chiến đấu nên có thể gặp nguy hiểm do các cuộc tấn công trên không và trên bộ của Nga. Do đó, các đơn vị hậu cần này cũng cần được bảo vệ, có thể bằng vũ khí nhỏ, cũng như vũ khí chống tăng.

Một khi thiết bị quân sự đến được các đơn vị chiến đấu trên tiền tuyến, chúng sẽ được phân phối cho từng binh sĩ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem