Myanmar chặn Facebook sau vụ chính biến chấn động
Động thái chặn Facebook và loạt ứng dụng nhắn tin được đưa ra sau khi quân đội Myanmar bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao đảng NLD cầm quyền, bao gồm cả nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vì nghi ngờ gian lận bầu cử. Sau vụ việc, làn sóng phản đối chính quyền lâm thời của quân đội đã nổi lên mạnh mẽ trên Facebook - mạng xã hội được sử dụng phổ biến bậc nhất quốc gia với khoảng hơn 25 triệu người dùng.
Trên Facebook, nhiều nhà hoạt động xã hội đã lên tiếng cáo buộc quân đội đặt lợi ích quyền lực lên trên lợi ích quốc gia tại thời điểm mà chính phủ đáng lẽ nên tập trung giải quyết đợt bùng phát dịch Covid-19 giết chết ít nhất 3.100 người. Myanmar hiện là một trong những ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á.
Nhiều hình ảnh khác như người dân Yangon và một số thành phố đổ ra đường, bấm còi ô tô inh ỏi phản đối cuộc đảo chính cũng được lan truyền trên Facebook. Đây được xem là lý do khiến Bộ Thông tin truyền thông nước này phải lên tiếng tuyên bố chặn Facebook đến ít nhất ngày 7/2.
Tuy nhiên, sự gián đoạn truy cập Facebook là không đồng đều. Một số người dùng cho biết vẫn có thể truy cập nền tảng mạng xã hội này dù tốc độ kết nối chậm hơn. Một số người cài VPN để tránh bị chặn truy cập.
Người dân Myanmar đã không thấy bà Suu Kyi xuất hiện kể từ khi bà này và hàng loạt quan chức đứng đầu đảng cầm quyền NLD bị cắt hôm 1/2. Một số nguồn tin cho hay bà Suu Kyi đang bị quản thúc ở thủ đô Naypyidaw, nhưng không có thông tin gì về nơi ở chính xác của bà.
Sự kiện chính biến nổ ra sáng 1/2 sau khi bà Aung San Suu Kyi và hàng loạt nhân vật cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bị bắt giữ bởi lực lượng quân đội sau nhiều tuần cuộc bầu cử tháng 11/2020 bị cáo buộc là gian lận. Hiện Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền. Văn phòng Tổng thống Myanmar đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm.
Đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn đã cáo buộc Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) gian lận bầu cử với số phiếu bị nghi ngờ gian lận lên tới 10 triệu. Nhiều đảng thiểu số khác cũng dấy lên nghi vấn tương tự, rằng cử tri của họ bị tước quyền bỏ phiếu ngay trước thềm bầu cử, dẫn đến thắng lợi áp đảo cho đảng NLD. Cụ thể, đảng NLD giành tới gần 400 ghế, tương đương hơn 60% số ghế trong Quốc hội, chiếm áp đảo ghế. Ngoại trừ 1/4 số ghế tự động do phía quân đội nắm giữ, các Đảng còn lại chỉ thắng rất ít ghế. Đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển thân với quân đội chỉ giành được khoảng 30 ghế, một con số thấp đáng ngạc nhiên. Phía quân đội đã chỉ trích mạnh mẽ sự thiếu minh bạch từ phía Uỷ ban bầu cử khi đóng cửa hòm phiếu ở các địa phương có người dân tộc thiểu số, khiến ít nhất 1,5 triệu cử tri mất quyền bỏ phiếu hợp lệ.
Sau vụ chính biến, nhiều quốc gia dân chủ bao gồm Mỹ đã lên tiếng đe doạ áp lệnh trừng phạt lên Myanmar. Liên hợp quốc cho hay sẽ gia tăng áp lực quốc tế để đảm bảo dân ý được tôn trọng và cuộc chính biến này không đạt được mục đích
“Chúng tôi sẽ làm mọi cách để huy động tất cả các thành phần chủ chốt và cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Myanmar để đảm bảo binh biến sẽ thất bại”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết trong một cuộc phỏng vấn do The Washington Post phát sóng hôm thứ Tư. “Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được sau cuộc bầu cử mà tôi tin rằng đã diễn ra bình thường, không gian lận”.
Chủ tịch Nghị sĩ Nhân quyền ASEAN Charles Santiago cũng lên tiếng tuyên bố các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi là lố bịch. “Đây là động thái vô lý của một chính quyền trong nỗ lực hợp pháp hoá hành vi chiếm đoạt quyền lực của họ”.