Biden có thể giúp Trung Quốc hưởng lợi nếu mạnh tay trong chính biến ở Myanmar

03/02/2021 14:59 GMT+7
Một nhà phân tích từ công ty tư vấn địa chính trị Stratfor cho rằng các lệnh trừng phạt mà chính quyền Biden đe doạ áp lên Myanmar sau vụ chính biến tuần này có thể mở ra cánh cửa cho Trung Quốc bành trướng tầm ảnh hưởng với quốc gia Đông Nam Á này.

Sau vụ chính biến hôm 1/2 khi quân đội Myanmar bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao đảng NLD cầm quyền, bao gồm cả nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vì nghi ngờ gian lận bầu cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đe doạ áp lệnh trừng phạt lên quốc gia này.

Chính biến ở Myanmar: phép thử lớn với Biden, Trung Quốc chờ hưởng lợi - Ảnh 1.

Chính biến ở Myanmar: phép thử lớn với Biden, Trung Quốc chờ hưởng lợi

Nhưng ông Rodger Baker, Phó chủ tịch cấp cao về phân tích chiến lược tại Stratfor nhận định rằng động thái như vậy chỉ thúc đẩy Myanmar xích lại gần hơn với Trung Quốc. Theo ông Baker, trong khi Mỹ không có lợi ích kinh tế lớn ở Myanmar, các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đang ngày càng mở rộng hoạt động kinh doanh ở quốc gia này. Sự hiện diện của các nước đồng minh ở Myanmar vô hình chung giúp Mỹ chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng bành trướng của Trung Quốc.

“Nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt, điều này có khả năng tác động đến quan hệ giữa các đồng minh Mỹ cũng như làm gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực” - bình luận của ông Baker được công bố sau khi phía Nhật Bản đưa ra cảnh báo tương tự. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama hôm 2/2 đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng các nước dân chủ như Mỹ, Anh, Nhật Bản có nguy cơ đẩy Myanmar xích gần lại với Trung Quốc nếu phản ứng của họ với chính biến lần này cắt đứt sợi dây liên hệ với quân đội Myanmar.

Trong khi đó, nội bộ Washington ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi chính quyền Biden thực hiện các hành động cứng rắn để trừng phạt quân đội Myanmar sau vụ chính biến chấn động. Đơn cử, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell hôm 2/2 tuyên bố Mỹ nên áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất có thể, bao gồm cả hành động thông qua Liên Hợp Quốc.

Cảnh báo của ông Rodger Baker là hợp lý, bởi Trung Quốc là quốc gia có chung đường biên giới với Myanmar, cũng là nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu vào quốc gia Đông Nam Á này. Trong cuộc chính biến qua, Bắc Kinh gần như không phản ứng gì nhiều. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin chỉ nhắc đến vụ việc bằng một tuyên bố khá nhẹ nhàng: “Chúng tôi đã ghi nhận những gì vừa xảy ra ở Myanmar… Bất kỳ động thái nào của công đồng quốc tế sẽ góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội ở Myanmar, thúc đẩy hoà bình và hoà giải ở quốc gia này, đồng thời tránh xung đột leo thang và làm phức tạp thêm tình hình hiện tại”.

Theo ông Baker, Trung Quốc là nước có tiền lệ “đi trên nhiều dây”. Tại Myanmar, nước này được cho là vừa hỗ trợ các nhóm nổi dậy nhưng đồng thời cũng thúc đẩy quân đội chống lại phe nổi dậy. “Vấn đề nằm ở lợi ích… Họ (Trung Quốc) chỉ nghĩ làm thế nào để gia tăng tầm ảnh hưởng, họ không quan tâm ai nắm quyền (ở Myanmar)”.

Đó là lý do vì sao cuộc khủng hoảng địa chính trị đang diễn ra ở Myanmar là một phép thử quan trọng với chính sách đối ngoại của chính quyền Biden trong một khu vực mà tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mở rộng. Rõ ràng, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Trump là một trong những di sản và thách thức chính sách lớn nhất mà ông Biden phải tiếp quản với tư cách người kế nhiệm.

Do đó, theo ông Baker, bất kỳ hành động trừng phạt của Biden nào với Myanmar sẽ đòi hỏi sự khéo léo, chọn lọc để không tác động đến lợi ích các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ ở khu vực này.


NTTD
Cùng chuyên mục