Năm 2020: “Đế chế” của ông Nguyễn Đức Tài có thể “hụt” 12% lợi nhuận?
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố báo cáo phân tích về CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài.
Phân tích cho thấy, MWG của ông Nguyễn Đức Tài sẽ chụy ảnh hưởng nặng nề hơn từ dịch Covid-19 so với dự báo mà công ty chứng khoán này đã đưa ra trước đó.
Cụ thể, trong báo cáo mới, VCSC đã hạ mạnh dự báo doanh thu của MWG từ mức 130.000 tỷ đồng xuống còn 106.500 tỷ doanh thu và 3.360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Con số này tương ứng tăng 4% và giảm 12% so với kết quả 2019.
Trong báo cáo phát hành cuối tháng 2/2020, doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ này kỳ vọng tăng trưởng 27% so với cùng kỳ và tăng 33% về lợi nhuận sau thuế, lên 5.100 tỷ đồng - cao hơn cả kế hoạch ban lãnh đạo MWG đặt ra là 122.400 tỷ doanh thu và 4.800 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Ảnh hưởng từ dịch Coivid-19 đã khiến cho khoảng 10% số lượng cửa hàng Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (DMX) tạm đóng cửa.Tuy nhiên, do những diễn biến chưa rõ ràng của dịch Covid-19 và Chỉ thị của Chính phủ ban hành ngày 31/3/2020 yêu cầu tạm ngừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu – đặc biệt tại các thành phố lớn, VCSC đã đưa ra dự báo thận trọng.
Trong các kịch bản đưa ra, VCSC giả định 25% số lượng cửa hàng TGDĐ/DMX sẽ đóng cửa đến cuối tháng 4/2020, đồng thời dự phóng lợi nhuận sau thuế chung mảng điện thoại di động và điện máy sẽ giảm 8% trong năm 2020 (so với mức tăng 21% trước đây); giả định rằng những gián đoạn do dịch Covid-19 đến hoạt động kinh tế sẽ đạt đỉnh vào thời điểm cuối quý II/2020.
Tính từ giữa tháng 3/2020, VCSC nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam đã thận trọng hơn trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, từ đó ảnh hưởng đến chi tiêu cho hàng không thiết yếu và lượng khách đến các cửa hàng.
Với luận điểm trên, công ty chứng khoán này dự phóng doanh số/cửa hàng chung của TGDĐ và DMX sẽ giảm 17% so với cùng kỳ, khiến doanh thu chung của 2 chuỗi này giảm 12% trong năm 2020. Ngược lại, VCSC kỳ vọng mức sụt giảm lợi nhuận sẽ giảm nhẹ hơn (giảm ~8%) nhờ biên lợi nhuận gộp gia tăng dẫn dắt bởi quy mô và cơ cấu sản phẩm; cũng như các chiến lược tiết kiệm chi phí như gia tăng năng suất của nhân viên, tái thương lượng phí thuê với chủ nhà và tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng.
Được biết, doanh thu tháng 3 của MWG ước đạt hơn 8.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu online có xu hướng tăng, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu. Riêng 2 mảng bị ảnh hưởng bởi dịch là TGDĐ và DMX, doanh thu online tháng 3 chiếm tỷ trọng 13% tổng toàn Công ty. MWG đánh giá tổng cầu tiêu dùng điện thoại và điện máy năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm do dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng của người dân và các sự kiện thể thao bị dời sang năm 2021.
Mặc dù vậy, VCSC cũng kỳ vọng vị thế dẫn đầu thị trường của MWG sẽ được củng cố sau khi dịch Covid-19 hạ nhiệt. Bởi, tác động của dịch bệnh đến các đối thủ cạnh tranh nhỏ lẻ – có năng lực tài chính thấp hơn – là nặng nề hơn so với MWG. VCSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận của TGDĐ và DMX sẽ phục hồi đạt mức 2 chữ số trong giai đoạn 2021-2022 khi hoạt động tiêu dùng và kinh doanh phục hồi sau khủng hoảng do dịch Covid-19.
Được biết, trong những chia sẻ gần đây của ông Nguyễn Đức Tài, không dưới 3 lần, vị Chủ tịch MWG nhấn mạnh với cổ đông đại dịch Covid-19 lần này là cơ hội để sàng lọc, những doanh nghiệp nào có nền tảng "ngon lành", đội ngũ đoàn kết và có nền tảng về công nghệ chắc chắn sẽ chống chọi tốt với dịch bệnh và tiếp tục phát triển. "Nếu coi thương trường là một cuộc đua xe đạp thì MWG tin là mình sẽ là dẫn đầu trong tốp đầu tiên về đích".
Theo ông Tài, điểm hoà vốn của các shop Thế giới di động (TGDĐ) và Điện máy xanh (ĐMX) rất thấp. "Đó là lí do vì sao nhiều nghìn tỷ tiền lời nằm ở đó", "Tôi không tin doanh thu sẽ rớt xuống dưới điểm hoà vốn, vì theo tính toán của công ty trước đây điểm hoà vốn của ĐMX là 5 tỷ, nhưng đó là khi shop phải gánh 100% chi phí thuê mặt bằng và nhân công. Trong khi các loại chi phí đó chúng tôi đều đã cắt giảm được xuống, thì điểm hoá vốn chỉ khoảng 2-3 tỷ. Với một shop ĐMX doanh thu 15 tỷ mà rơi xuống 1-2 tỷ thì anh chả tin có ngày đó, có vẻ hơi khoa học viễn tưởng quá mức", ông Tài chia sẻ với nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, mọi chi phí đều là chi phí biến đổi. Kể cả các chi phí như nhân công, chi phí thuê mặt bằng đáng lẽ được tính vào chi phí cố định nhưng công ty đều cắt được xuống, biến trạng thái cố định thành động theo tình hình kinh doanh. Cụ thể, công ty đang thương lượng với các chủ nhà để giảm giá thuê 50% hoặc miễn phí thuê trong thời gian phải đóng cửa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Nếu đối tác quá cứng nhắc, công ty sẽ xem xét trả mặt bằng và thuê ở vị trí gần đó với chi phí hợp lý hơn.