Năm 2020, doanh thu PVN ước đạt 566.000 tỷ đồng
Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), năm 2020, thế giới đã chứng kiến và trải qua rất nhiều biến động, điều này không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển và những nền kinh tế nhỏ mà ngay cả các cường quốc lớn cũng phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra hàng loạt các tác động nghiêm trọng, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp không ngừng gia tăng, doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng sản xuất...
Trong tình hình đó, PVN vừa phải tập trung ứng phó với dịch bệnh, vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử dầu khí thế giới. Giá dầu thô trung bình năm 2020 chỉ đạt 43,8 USD/thùng, bằng 73% so với giá kế hoạch của PVN (60 USD/thùng).
Tuy nhiên, với ý thức đầy đủ về trách nhiệm của PVN đối với đất nước, PVN kịp thời ban hành và thực hiện có hiệu quả gói giải pháp ứng phó và chính thức vượt qua "khủng hoảng kép", hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu quan trọng của năm 2020, tạo tiền đề phát triển cho những năm tới.
Kết quả, PVN đã hoàn thành chỉ tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí 15 triệu tấn quy dầu trước 6 tháng; sản lượng khai thác dầu đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch; sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỉ m3; sản xuất xăng dầu đạt 11,87 triệu tấn; sản xuất đạm đạt 1,8 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch; sản xuất điện đạt 19,17 tỉ kWh...
Cả năm 2020, doanh thu PVN đạt 566.000 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2019. Nộp ngân sách nhà nước 83.000 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước và cân đối ngân sách Nhà nước.
Công tác tìm kiếm, thăm dò của PVN được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra, đặc biệt phát hiện dầu khí mới tại giếng khoan Kèn Bầu (Lô 114, ENI).
Ngoài ra, Tập đoàn hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác 02 công trình dầu khí mới là giàn BK-21 và giàn CPP Sao Vàng. Các hoạt động khai thác dầu đạt mức tối ưu, phù hợp với điều kiện kỹ thuật, đồng thời giảm tối đa thiệt hại về kinh tế khi giá dầu giảm sâu.
Về công tác cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp, PVN đã có nhiều văn bản báo cáo Ủy ban trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn đến hết năm 2020, giai đoạn 2021 – 2025.
Đối với đề án tái cơ cấu, chuyển giao vốn PVN tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), trên cơ sở các báo cáo của PVN, Ủy ban đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn góp của PVN tại ngân hàng này.