Năm 2021, có được xây nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm?
Đất trồng cây lâu năm dùng vào mục đích gì?
Điều 6 Luật đất đai 2013 về Nguyên tắc sử dụng đất như sau:
Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, để trả lời được câu hỏi có xây nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm được hay không, trước hết phải xác định được mục đích sử dụng đất theo quy định.
Đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp căn cứ vào phân loại đất đai theo quy định mới nhất của pháp luật Việt Nam. Phụ lục số 01 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT quy định đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm đất trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả lâu năm, cây dược liệu lâu năm, các loại cây lâu năm khác.
Thông tư đã nêu rõ mục đích của đất trồng cây lâu năm là dùng trồng các loại cây nông nghiệp, không phải là đất có thể xây nhà ở.
Xây nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm có bị xử phạt?
Trường hợp này, hành vi của người sử dụng đất được cho là tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được phép. Khoản 2 Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
Khoản 3 Điều 8 Nghị định này cũng quy định về Biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, trường hợp xây nhà tạm khi chưa được phép theo Khoản 6 và Khoản 7 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP như sau:
+) Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp theo quy định.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
+) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng.
Xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng.
Tùy thuộc vào trường hợp vi phạm của người sử dụng đất là gì và mức độ như thế nào, từ đó cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.
Muốn xây nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm, phải làm sao?
Như vậy, vấn đề xây nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm là trái với quy định của pháp luật về đất đai hiện hành. Người sử dụng đất sẽ không được phép xây dựng công trình nhà ở trên đất trồng cây lâu năm dù là nhà tạm hay nhà ổn định lâu dài. Hành vi này là vi phạm về nguyên tắc sử dụng đất, hay nói cách khác là sử dụng đất sai mục đích.
Nếu muốn xây dựng được thì người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục xin chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất ở và được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng không phải bất kỳ trường hợp nào cũng có thể chuyển đổi sang đất thổ cư. Ngoài quy định chung của Luật đất đai thì còn tùy thuộc vào chính sách quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp ở từng địa phương.
+) Đầu tiên, người sử dụng đất sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm:
Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất;
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Văn bản thẩm định điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng (đối với đối tượng chuyển đổi là tổ chức).
+) Nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (đối với hộ gia đình, cá nhân), hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với tổ chức).
+) Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu hợp lệ, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ trình UBND cấp huyện hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trình UBND cấp tỉnh cho phép người sử dụng đất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
+) Người sử dụng đất nộp phí chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở.
+) Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
+) Sau thời gian 15 ngày hoặc 25 ngày (đối với vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn), Phòng Tài nguyên và Môi trường hặc Sở Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Như vậy, hành vi xây nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm là vi phạm pháp luật về đất đai, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và bắt buộc tháo dỡ.