Sự minh bạch của thị trường bất động sản phục thuộc vào chất lượng đội ngũ môi giới
Số lượng môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề rất lớn
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tới thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 40.000 môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề. Dù có nhiều hơn số lượng môi giới này, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, đã tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, sẵn sàng tham gia các kỳ thi sát hạch nhưng lại chưa có chứng chỉ chỉ vì không có “suất" thi.
Trước đó, theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, thực tế trong 10 năm qua, có một số địa phương quan tâm triển khai, nhưng cũng rất hạn chế số lượt, số lượng. Tỷ lệ các kỳ thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản được tổ chức còn quá nhỏ so với nhu cầu.
Ví dụ tại Hà Nội, địa phương có hàng vạn môi giới bất động sản hoạt động nhưng chỉ tổ chức 2, 3 lần trong năm, với khoảng 2000 - 3000 lượt thí sinh tham dự, TP. HCM cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Thậm chí, nhiều vùng, địa phương, có nhu cầu về chứng chỉ rất lớn nhưng không tổ chức bởi không đủ nguồn lực, kinh nghiệm, chuyên môn thực hiện, lo ngại sai sót…
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển ngày càng “nóng” của thị trường bất động sản, vai trò của môi giới bất động sản đang ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng bên cạnh những môi giới hoạt động không có chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn nhiều yếu kém, ngày càng có nhiều môi giới nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng, kiến thức và đạt được chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, thật sự có mong muốn cung cấp thông tin, hỗ trợ giao dịch, tạo ra một môi trường giao dịch hiệu quả và công bằng cho cả người mua và người bán.
"Thời gian tới, cùng với các quy định nâng cao vai trò, ràng buộc pháp lý của nhà môi giới trong các giao dịch, hoạt động môi giới sẽ đi vào nề nếp, chính quy và chuyên nghiệp hơn, sẽ có nhiều hơn môi giới bất động sản chân chính, xây dựng thị trường dịch vụ bất động sản chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung. Đồng thời, dần dần thay đổi sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề môi giới bất động sản", ông Đính chia sẻ.
Thị trường đã thanh lọc môi giới bất động sản sau khó khăn
Thời điểm năm 2022 và nửa đầu năm 2023 là lúc khủng hoảng nhất của thị trường và từ góc độ chuyên gia, VARS đã thực hiện các hoạt động truyền đạt thông tin, đào tạo và đưa ra giải pháp giúp môi giới trụ lại thị trường, cũng như thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng.
Tại sự kiện “Ngày hội Môi giới Bất động sản Việt Nam”, Ông Nguyễn Văn Đính đánh giá, những khó khăn mà môi giới bất động sản phải đối mặt như: khó tiếp cận khách hàng; thiếu kiến thức, kỹ năng chuyên môn; áp lực từ việc cạnh tranh;...
"Thời gian vừa qua khi thị trường gặp sự cố đã chứng kiến trạng thái “rã đám”. Thậm chí “bỏ chạy trên diện rộng” của một bộ phận không nhỏ lực lượng làm nghề dịch vụ bất động sản. Khoảng 30% lực lượng môi giới trụ lại với thị trường, với nghề. Những nhà môi giới trụ lại với thị trường hầu hết đều rất chuyên nghiệp. Họ là những người yêu nghề, thực sự muốn gắp bó sự nghiệp với nghề”, ông Đính cho biết.
Đồng thời, Chủ tịch VARS nhấn mạnh, sau bối cảnh cuộc đại khủng hoảng vừa qua đã chứng minh được những ai là người giỏi, kiên định, chúng tôi tìm những người giỏi nhất, xứng đáng nhất trong lực lượng bám trụ lại thị trường để vinh danh. Đây cũng không gì khác ngoài mục đích của sự kiện thường niên năm nay.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch thường trực VARS, trải qua một năm 2023 vô cùng khó khăn, thách thức của nền kinh tế và thị trường bất động sản, những cá nhân, tổ chức được vinh danh, đều xứng đáng là những người hùng “vượt bão”, không bỏ cuộc.
"Nhiều môi giới bất động sản lựa chọn đồng hành và ở lại với thị trường để tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất nhằm duy trì hoạt động đội ngũ, củng cố niềm tin cho chủ đầu tư và cả nhà đầu tư, khách hàng. Sự kiên trì của những tổ chức, cá nhân nhà môi giới này đã góp phần không nhỏ trong phục hồi thị trường bất động sản, hướng tới phát triển bền vững", ông Thanh nhận định.
Xác định mục tiêu tìm tòi, nghiên cứu để làm thế nào môi giới thích ứng được với mọi biến hóa, sự cố trên thị trường bất động sản và vẫn có thể tiếp tục hành nghề ổn định, VARS đã đưa ra nhóm giải pháp mang tính căn cơ.
Trọng tâm nhất, là phải tạo ra bộ chuẩn mực cho nghề bao gồm các yếu tố: kiến thức, đạo đức văn hóa ứng xử cũng như tính chất hội nhập quốc tế. Bởi, chất lượng môi giới bất động sản Việt Nam vẫn đang thua các quốc gia trong khối ASEAN về tính chuyên nghiệp lẫn kiến thức nghề. Do đó, sắp tới VARS sẽ kết nối những kiến thức, thái độ, đạo đức văn hóa đó để giúp cho môi giới bất động sản Việt Nam thực sự chuyên nghiệp, xứng tầm.