Nâng cao vai trò quản lý, bất động sản công nghiệp sẽ bứt phá trong năm 2024?

12/01/2024 07:00 GMT+7
Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) đã thành lập Liên Chi Hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam để hoàn thành mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 của nước ta. Điều này sẽ giúp phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục bứt phá trong năm 2024.

Bất động sản công nghiệp giữ vị thế trong năm 2023

Theo báo cáo của CBRE, mặc dù nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong năm 2023, tuy nhiên bất động sản công nghiệp vẫn đạt được những kết quả tích cực.

Về thị trường đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy tại các thị trường cấp 1 được giữ ở ngưỡng khả quan. Các nhà sản xuất từ các ngành công nghiệp và quốc gia khác nhau vẫn tiếp tục mở rộng mạnh mẽ ở cả hai khu vực. Điều này cho thấy sự phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực, cho thấy xu hướng tích cực đối trường công nghiệp Việt Nam. 

Trong đó, khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 81%, trong khi khu vực phía Nam đạt 92%. Đáng chú ý, diện tích hấp thụ tại thị trường miền Bắc đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, vượt 800ha, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022. 

Nâng cao vai trò quản lý, bất động sản công nghiệp sẽ bứt phá trong năm 2024?- Ảnh 1.

Bất động sản công nghiệp năm 2023 có nhiều kết quả tích cực (Ảnh: TN)

Còn thị trường miền Nam, do quỹ đất công nghiệp tương đối hạn chế, diện tích hấp thụ thấp hơn 32% so với cùng kỳ năm 2022 đạt khoảng 500ha. Bên cạnh các nhà sản xuất về điện tử, ô tô và phụ kiện, các khách thuê từ những ngành mới trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất xe điện, bán dẫn hay vật liệu xanh cũng cho thấy sự quan tâm tới Việt Nam.

Thị trường nhà kho và nhà xưởng xây sẵn cũng đã có một năm 2023 nhộn nhịp. Khu vực phía Bắc ghi nhận nguồn cung mới đi vào hoạt động cao nhất từ trước đến nay, với tổng cộng 770.000 m2 kho xưởng/xây sẵn mới. Tại thị trường miền Nam, lượng nguồn cung mới cũng đạt ngưỡng tương đương khu vực phía Bắc, mặc dù vậy, đây là ngưỡng thấp hơn so với ba năm trước đó. 

Tại các thị trường cấp 1 miền Bắc, giá thuê nhà kho xây sẵn duy trì ổn định so với năm ngoái ở mức 4,6 USD/m2/tháng. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt trung bình 4,8 USD/m2/tháng, tăng 3,9% theo năm. Sự tăng trưởng về giá thuê nhà xưởng xây sẵn là nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ và các dự án mới có vị trí tốt.

Tại thị trường miền Nam, giá thuê nhà kho xây sẵn hiện ở mức 4,6 USD/m2/tháng, tăng 4,7% theo năm. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn tại khu vực này ở mức 4,9 USD/m2/tháng, tăng 2,3% theo năm. Mức giá thuê trung bình tăng lên do các dự án tiêu chuẩn cao mới tại TP.HCM và Long An hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm. 

Cả hai thị trường phía Bắc và phía Nam đều ghi nhận diện tích hấp thụ ở mức khả quan. Mặc dù nguồn cung tăng, nhưng tỷ lệ lấp đầy của nhà xưởng xây sẵn vẫn ổn định ở mức 86% ở miền Bắc và tăng nhẹ lên 85% ở miền Nam. Tỷ lệ lấp đầy của nhà kho xây sẵn ở miền Bắc là 76%, giảm 6% theo năm, trong khi tỷ lệ này vẫn ổn định ở miền Nam. Đáng chú ý, diện tích hấp thụ tại khu vực miền Nam trong nửa cuối năm 2023 cao gấp 3,8 lần so với nửa đầu năm, nhờ những điều chỉnh tích cực trong chính sách của chủ đầu tư.

Thành lập Liên chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam

Theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trên cả nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 558 Khu công nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng 205.800 ha và 1.500 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 50.000 ha. Dự báo đến năm 2050, diện tích đất khu, cụm công nghiệp trên cả nước sẽ ở mức 300 - 350.000 ha, chưa kể diện tích của gần 50 Khu kinh tế.

Mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 của nước ta là hoàn thành các tiêu chí của nước công nghiệp, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo".

Trước nhu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của một cộng đồng rộng lớn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang kinh doanh, sản xuất, làm việc liên quan đến các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) đã thành lập Liên Chi Hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam.

Nâng cao vai trò quản lý, bất động sản công nghiệp sẽ bứt phá trong năm 2024?- Ảnh 2.

VNREA thành lập Liên chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam (Ảnh: TN)

Liên Chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bất động sản công nghiệp khác trong và ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, logistics... Hiện nay, VIREA đã quy tụ gần như tất cả các đơn vị có bất động sản công nghiệp quy mô và chuyên nghiệp tại Việt Nam như: VSIP, Amata, WHA, Sonadezi, Long Đức, BW, Viglacera, Long Thành,...

Nhiệm vụ chính của Liên Chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp hội viên. Cập nhật cung cấp thông tin về các cơ chế chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động của khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tới các doanh nghiệp hội viên. Bên cạnh đó, phát triển quan hệ hợp tác, liên kết với các hiệp hội, đối tác, tổ chức tài chính trong và ngoài nước tạo nguồn lực quan trọng vì các nhà đầu tư, doanh nghiệp… hội viên của liên chi hội.

Liên Chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam còn là diễn đàn của các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp,... và các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản công nghiệp khác. Ngoài ra, giúp mở rộng hợp tác quốc tế, kết nối xúc tiến đầu tư, các tổ chức tài chính trong, ngoài nước và xây dựng một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyên nghiệp.

Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục