Nâng khống giá kit test Việt Á, có hay không các kẽ hở liên quan đến chỉ định thầu?

Quang Dân Thứ ba, ngày 21/12/2021 16:25 PM (GMT+7)
Những thông tin liên quan đến việc nâng khống giá kit test Việt Á, xảy ra tại Công ty Việt Á, dư luận đặt câu hỏi: Có hay không các kẽ hở liên quan đến chỉ định thầu?
Bình luận 0

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương liên quan.

Được biết, Công ty Việt Á trước đó cũng đã trúng thầu cung cấp kit test phát hiện SARS-Cov-2 có tên gọi "LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR" (LightPower) tại hàng loạt cơ quan y tế địa phương và các bệnh viện.

Những thông tin liên quan đến việc nâng khống giá kit test Việt Á, xảy ra tại Công ty Việt Á này, dư luận đặt câu hỏi: Có hay không các kẽ hở liên quan đến chỉ định thầu?

Quy trình xét duyệt về sản phẩm có tính cấp bách

Trao đổi nhanh với Dân Việt tại sự kiện "Tọa đàm kinh tế 2022 - Phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới" do báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng 21/12/2021, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, sự việc nâng khống giá kit test Việt Á xảy ra tại công ty Việt Á không phải vấn đề chỉ định thầu, mà nó liên quan tới quy trình về xét duyệt về sản phẩm có tính cấp bách.

"Cấp bách nhưng phải đảm bảo chất lượng, bởi đây là câu chuyện có động chạm về sức khoẻ toàn dân, về phòng chống đại dịch", ông Ánh nhấn mạnh.

Chỉ định thầu, có là nguồn cơn để Việt Á trục lợi? - Ảnh 1.

TS. Vũ Đình Ánh trao đổi với PV Dân Việt tại buổi toạ đàm. Ảnh: Phạm Hưng

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá, trong vụ việc nâng khống giá kit test Việt Á này, chỉ định thầu là có thể hiểu được vì tại tình huống cấp bách đó không còn thời gian, sự chuẩn bị để tổ chức đấu thầu. Hai nữa, thời điểm này cũng chỉ có Công ty Việt Á đủ điều kiện đáp ứng là có hàng kit test trong nước sản xuất, còn lại tất cả các đơn vị khác đều phải nhập khẩu.

Bao nhiêu hàm lượng hình thành ra bộ kit test Việt Á do Việt Nam sản xuất?

Theo ông Ánh, kit test Việt Á là kết quả của đề tài Quốc gia. Đầu năm 2020, Việt Nam công bố sản xuất được kit test trong nước, đồng thời nộp kết quả này cho WHO. Tuy nhiên đến tháng 10/2020, WHO vẫn chưa chấp nhận kết quả này. Trong đó có những yếu tố như liên quan tới chất lượng, chất lượng sản phẩm do Việt Á sản xuất ra có đảm bảo không?.

Thêm nữa, như báo chí, truyền thông rầm rộ đưa tin mấy hôm nay thì dường như quy trình sản xuất ra kit test của Việt Á cũng rất có vấn đề. Chưa kể, bao nhiêu hàm lượng hình thành ra bộ kit test là do trong nước sản xuất?!.

Sau này, có phải Việt Á "trộn linh tinh vào" thành bộ kit test để bán không? Việt Á sản xuất ra kit test hay chỉ nhập từ nước ngoài về rồi hoàn thiện thành sản phẩm?. Và đặc biệt, quan trọng nhất ở đây là "chất lượng của kit test do Việt Á sản xuất có đạt không?"-ông Ánh nêu quan điểm.

Trả lời được các câu hỏi nêu trên chúng ta mới bàn về câu chuyện giá. Mức giá bán ra có nằm trong "đề tài nghiên cứu" không? Khi doanh nghiệp xác định xong phần giá thì ai sẽ là người thẩm định lại giá đó?...

Ông Ánh cũng cho rằng, ngoài ra, còn yếu tố cũng cần quan tâm là việc WHO công nhận kit test Việt Á. Đã có những ý kiến cho rằng "nếu WHO không công nhận thì kệ WHO, mình cứ công nhận. Nhưng nếu có sự việc đó thì Việt Á phải loại bỏ thông tin liên quan đến WHO đi. Và quan trọng nữa nếu WHO không công nhận chất lượng thì cấp thẩm quyền nào đồng ý công nhận chất lượng, quy trình sản xuất kit test của Việt Á"-ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, hiện tại "lỗi căng nhất" thuộc về các cấp có thẩm quyền trong việc kiểm tra, công nhận chất lượng, quy trình sản xuất và giá của kit test Việt Á. "Như họ nói đây là đề tài cấp Quốc gia, cụ thể hơn đây là đề tài thuộc Học Viện Quân y, vậy thì trách nhiệm của Học Viện Quân y ở đâu (?) và chúng ta chưa thấy ai nói gì cả", ông Ánh cho hay.

Lại quả, chiết khấu là bình thường?
Chỉ định thầu, có là nguồn cơn để Việt Á trục lợi? - Ảnh 3.

Luật sư Trương Thanh Đức. Ảnh: Phạm Hưng.

Trao đổi với PV Dân Việt cũng liên quan đến việc nâng khống giá kit test Việt Á, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI nhìn nhận, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á không phải là trường hợp đầu tiên, đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra vì chỉ định thầu, và rõ ràng vẫn còn tồn tại một vài kẽ hở trong luật song không đáng kể, vì chúng ta đã hoàn thiện Luật Đấu thầu, Đấu giá nhiều lần; công văn, văn bản hướng dẫn rất nhiều, nên những kẽ hở có thể bịt được đều đã được bịt kín.

"Vấn đề ở đây là nằm ở quá trình thực thi, người thực hiện; việc không công khai, không minh bạch; quân xanh, quân đỏ, tìm cách loại đối thủ. Tôi cho rằng, có thể xảy ra tình huống thông đồng về nội dung, lấy thông tin của người này cung cấp cho người kia, cuối cùng đối tượng nào vây cánh thì mới được vào vòng trong", luật sư Đức nói.

Còn câu chuyện lại quả, chiết khấu 20%-theo ông Đức-là bình thường so với mặt bằng. Bởi nó là môi trường, tình trạng chung hiện nay.

Trước đó, tại cuộc họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit real-time RT-PCR one step vào ngày 3/3/2020, 100% thành viên của Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia đồng ý thông qua, nhất trí đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit do Học Viện Quân y và Công ty CP Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.

Ngày 4/3/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán in vitro phát hiện SARS-CoV-2 được cấp số đăng ký lưu hành và cho phép chính thức sản xuất bộ kit ở quy mô lớn.

Hơn một năm năm qua, TGĐ Công ty Việt Á - ông Phan Quốc Việt, đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương và sản phẩm kit test Covid thuộc danh mục được chỉ định thầu rút gọn nên DN này chủ động cung ứng sản phẩm cho các bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị nhận cung ứng để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu. Khai nhận trước cơ quan điều tra, hình thức chỉ định thầu được sử dụng bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do công ty này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem