Nếu NHNN chậm trễ, nhiều DN bị khai tử nhưng điều đó không xảy ra

08/05/2020 15:03 GMT+7
Nếu Ngân hàng Nhà nước chậm trễ, nhiều hậu quả rất lớn sẽ xảy ra, trong đó nhiều rất nhiều doanh nghiệp bị khai tử. Thế nhưng, Thông tư 01 đã được ban hành kịp thời.

Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao. Việt Nam dù được đánh giá là một trong những nước phòng chống Covid-19 hiệu quả nhất nhưng cũng không tránh được những tác động tiêu cực mà Covid-19 gây ra. Không ít doanh nghiệp lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Và nếu không có sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), không ít doanh nghiệp đã phải "khai tử".

Thông tư 01 được ban hành kịp thời

Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định NHNN và ngành ngân hàng đã xử lý cụ thể, thống nhất và khắc phục hậu quả nhanh chóng bằng những biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp gặp khó.

Thủ tướng đánh giá việc thực hiện tốt Thông tư 01 của Thống đốc NHNN đến các chi nhánh như kiểm soát nợ, hạ lãi suất, tạo điều kiện vay vốn, cơ cấu lại nợ là vô cùng quan trọng.

Nếu NHNN chậm trễ, nhiều DN bị khai tử nhưng điều đó không xảy ra - Ảnh 1.

Ngày 13/3, NHNN đã khẩn trương ban hành Thông tư 01 – giải pháp đột phá

Thông đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết NHNN và các chi nhánh đã vào cuộc sớm, tích cực, ngay từ cuối tháng 2, chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh với ngân hàng.

Ngày 13/3, NHNN đã khẩn trương ban hành Thông tư 01 – giải pháp đột phá, vì dịch bệnh này chưa có tiền lệ nên NHNN đã kịp thời đưa ra các quy định mới, mạnh mẽ, giúp các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và doanh nghiệp vay vốn.

NHNN cũng kịp thời ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng bình luận chỉ cần chậm trễ ban hành Thông tư sẽ có thể gây ra hậu quả rất lớn, vì hiện nay 70% vốn trong nền kinh tế là từ tín dụng của hệ thống NH. Không cơ cấu lại nhanh, không khơi thông vốn được..., nhiều DN sẽ bị khai tử sau đại dịch.

"Thông tư đã tạo hành lang pháp lý cho các NH triển khai cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Nếu không NH sẽ rất sợ nợ xấu mà không dám hành động quyết liệt", TS Hiếu đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng của NHNN.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam đánh giá NHNN đã có Thông tư chỉ đạo đưa ra các giải pháp như yêu cầu các NHTM triển khai tích cực các chương trình miễn, giảm lãi suất, giảm phí, cử nhân viên trực tiếp tới doanh nghiệp khảo sát khó khăn, cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc…

Theo ông Bình, đây là những hành động kịp thời, thiết thực của ngành Ngân hàng để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Ngành ngân hàng chủ động

Trong khi NHNN nhanh chóng ban hành Thông tư 01, các ngân hàng cũng rốt ráo vào cuộc.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank, cho biết nếu mang tâm lý chờ đợi hướng dẫn thì các DN sẽ phải đóng cửa, phá sản, NH cũng khó mà sống được. Do đó, VietinBank giảm lãi suất trước, hỗ trợ thanh khoản, tập trung vào các DN chịu tác động trực tiếp của Covid-19 trong lĩnh vực hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu.

"Nói hỗ trợ thì dễ bị hiểu lầm là cho đi. Bản chất ở đây là chia sẻ, khách hàng là bạn, đối tác của NH. Hai bên cùng nương tựa vào nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch", ông Thọ nói.

Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank cho biết: "Việc ban hành thông tư mới đã hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là hành lang pháp lý để ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ. Các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay mới với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch".

Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, các ngân hàng đang phải vừa thực hiện mục tiêu kép vừa giữ hoạt động ổn định, vừa hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Vietcombank đã chấp nhận giảm 2.240 tỉ đồng lợi nhuận để chia sẻ với các doanh nghiệp.

BIDV cho biết ngân hàng đã cơ cấu giảm nợ cho khoảng hơn 3.300 khách hàng, đồng thời miễn giảm lãi các dư nợ cũ 0,5%-1,2%/năm. Đặc biệt, BIDV vừa công bố gói tín dụng cá nhân lên đến 50.000 tỷ đồng.

Agribank đã triển khai miễn giảm lãi, phí, hạ lãi suất, cho vay mới… để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. 4 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 481.000 tỉ đồng, bình quân cho vay mới 120.000 tỉ đồng/tháng.

Đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank ưu tiên tập trung thực hiện miễn giảm lãi và hạ lãi suất cho 27.500 khách hàng, với dư nợ 45.165 tỉ đồng, trong đó: Đã thực hiện miễn giảm lãi cho 500 khách hàng, dư nợ 5.165 tỉ đồng; hạ lãi suất 27.000 khách hàng, dư nợ 40.000 tỉ đồng.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục