Ngân hàng chạy đua lãi suất tiết kiệm, tiền gửi vào các ngân hàng tăng 127.000 tỷ trong một tháng
Lãi suất tiết kiệm tăng nóng, người dân đổ tiền vào ngân hàng
Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 11/2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán tăng 3,55% so với cuối năm 2021, đạt xấp xỉ 13,88 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 127 nghìn tỷ đồng so với tháng 10/2022.
Trong số 127 nghìn tỷ tăng thêm này, tiền gửi của cư dân đóng góp 84.600 tỷ đồng - mức tiền gửi dân cư theo tháng tăng nhanh nhất kể từ đầu năm 2022 đến tháng 11/2022.
So với đầu năm, tổng tiền gửi của toàn hệ thống tăng 5,5%, tương đương tăng hơn 607.700 tỷ đồng.
Theo đó, tính đến cuối tháng 11 người dân đã mang trên 5,7 triệu tỷ đồng gửi tại ngân hàng, tăng 8,38% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại cùng thời điểm đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng chỉ tăng 2,9%.
Như vậy, tốc độ tăng tiền gửi của khu vực dân cư trong năm 2022 nhanh hơn nhiều so với tiền gửi các tổ chức kinh tế (Tốc độ tăng tiền gửi của dân cư vào thời điểm cuối năm 2021 chỉ đạt khoảng 3,08%, trong khi tiền gửi từ các tổ chức kinh tế tăng tới 15,7%).
Người dân có xu hướng gửi tiết kiệm vào những tháng cuối năm 2022 trong bối cảnh các ngân hàng "đua" lãi suất tiết kiệm, khiến cho mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 tăng nóng.
Thống kê cho thấy, các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tăng lên mức kịch trần 6%/năm, từ 6 tháng trở lên nhiều nhà băng tăng 10 - 12%/năm vào tháng 11 đến giữa tháng 12.
Còn theo Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 trong những tháng cuối năm 2022 ở mức rất cao. Cụ thể, tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% - 12%.
So với cuối năm 2021, lãi suất tiết kiệm của hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 3% - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
Dự báo đường đi của lãi suất 2023
Nói về xu hướng lãi suất tiết kiệm trong năm 2023, một số nhà phân tích cho rằng, lãi suất huy động sẽ hạ nhiệt sau khi các ngân hàng đồng thuận đưa lãi suất tiết kiệm về tối đa 9,5%/năm vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức cao 9-10%/năm.
Nguyên nhân, do nhu cầu tín dụng tốt khi nền kinh tế phục hồi sau 2 năm Covid. Đồng thời, tăng trưởng huy động được kỳ vọng đạt trên 12% giúp căng thẳng thanh khoản thị trường 1 dịu bớt, nhờ tăng trưởng cung tiền hồi phục, sẽ tạo điều kiện cho các NHTM hạ lãi suất huy động.
Trong báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực tăng lãi suất sẽ vẫn còn khi các NHTW trên thế giới vẫn còn có các kế hoạch tăng lãi suất, ít nhất trong đầu năm 2023, đặc biệt là Fed. Bên cạnh đó, khi dư nợ tín dụng trong hệ thống trong năm vừa rồi đã vượt mức huy động, các ngân hàng trong nước cũng có áp lực thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, do đó có thể phải thực hiện tăng lãi suất.
Ngoài ra, NHNN cũng còn nhiệm vụ ổn định giá cả, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay khi áp lực lạm phát đã bắt đầu từ quý 4/2022 và vẫn đang còn rất lớn (BVSC dự báo có thể vượt mục tiêu lạm phát 4,5% trong các tháng đầu năm). Do đó, lãi suất khó có thể có diễn biến giảm ngay trong các tháng đầu năm 2023.
Còn theo Bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Theo đó, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang, thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm. Lãi suất tiết kiệm được dự báo sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1-1,5 điểm %.
Trước sức nóng của lãi suất, theo nhiều chuyên gia, tiền gửi tiết kiệm vẫn sẽ được nhiều người quan tâm trong năm 2023 vì đây là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh kinh tế còn nhiều điều khó dự đoán.
Dưới góc độ điều hành, TS. Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước dự báo, sang năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn.
Bên cạnh đó, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến còn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm 2023 và có thể sẽ còn duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024. Điều này sẽ tác động tới xu hướng lãi suất của Việt Nam.
"Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng", TS. Phạm Chí Quang cho biết.