Ngân hàng “giải bài toán” kinh doanh hậu Covid-19
Số liệu mới cập nhật tính đến ngày 28/4/2020 cho thấy, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Theo chia sẻ của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tín dụng tăng trở lại trong 2 tuần cuối tháng 4 nhờ các ngân hàng đẩy mạnh triển khai các gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ các DN và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tính đến cuối tháng 4, các gói tín dụng được các ngân hàng công bố là hơn 650.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cũng dự báo, cầu tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới khi mà hoạt động sản xuất – kinh doanh quay trở lại với nhịp độ bình thường.
Đặc biệt, những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 vừa qua như du lịch, hàng không… được dự báo sẽ phục hồi với tốc độ nhanh hơn. Đà phục hồi của sản xuất trong nước cũng nhận được thêm sự hỗ trợ khi nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và nhiều nền kinh tế châu Âu mở cửa trở lại.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng, hậu dịch chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi thậm chí là thay đổi lớn. Điều kiện sản xuất kinh doanh, môi trường hoạt động, cơ cấu thị trường, phương thức sản xuất của DN sẽ thay đổi theo hướng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, tự động hoá... buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) phải thích ứng.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một Ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, thời hậu dịch kinh tế quay trở lại bình thường nhưng sẽ ở dạng khác chứ không như thời kỳ trước dịch. Từ thói quen tụ tập đông người giảm, tăng cường sử dụng các dịch vụ online, đến việc ưu tiên chăm sóc sức khỏe bản thân hơn... Những DN nào kinh doanh phù hợp với xu hướng mới sẽ phát triển tốt. Và ngân hàng sẽ đầu tư cho vay nhiều hơn đối với những đối tượng DN này.
"Khi nền kinh tế sôi động trở lại ngân hàng nào đứng vững thì họ tập trung vào những phân khúc khách hàng tốt hiện tại cũng như tiềm năng trong tương lai để hồi phục doanh thu. Còn ngân hàng nào đang gặp khó khăn chắc sẽ chật vật trong kinh doanh nếu không tìm hướng đi mới. Thời gian tới, thị trường, khách hàng và cả trong hệ thống ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa", vị này nhận định.
Nắm bắt được xu hướng này, nhiều NHTM ngay từ sớm đã lên kịch bản để chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu "bật dậy" của DN và nền kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19.
Đơn cử như tại VPBank, lãnh đạo nhà băng này cho biết, khi tình hình kinh tế cải thiện là ngân hàng tung ra những chương trình đẩy mạnh kinh doanh. Ngoài hỗ trợ xử lý đối với các khách hàng đề nghị vay vốn mới, đơn giản hóa tối đa quy trình thủ tục, ngân hàng tập trung xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid.
Tính đến ngày 4/5, đã có tổng cộng hơn 13.000 hồ sơ giải ngân mới tại ngân hàng tương đương 18.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh để hỗ trợ các khách hàng hiện hữu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Song song các giải pháp tài chính hỗ trợ cụ thể cho từng phân khúc khách hàng, VPBank triển khai rất nhiều những giải pháp khác như khóa đào tạo kinh doanh online miễn phí dành cho các tiểu thương; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của khách hàng... từ đó đưa ra được những hỗ trợ phù hợp.
Tại Agribank, trong thời gian vừa qua nhà băng này vừa duy trì đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt vừa hỗ trợ tích cực các khách hàng.
4 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 481.000 tỷ đồng, bình quân cho vay mới 120.000 tỷ đồng/tháng. Đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank ưu tiên tập trung thực hiện miễn giảm lãi và hạ lãi suất cho 27.500 khách hàng, với dư nợ 45.165 tỷ đồng... Đối với chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, Agribank đã giải ngân được trên 10.030 tỷ đồng cho 6.043 khách hàng.
Trong khi đó, theo ông Phùng Quang Hưng – Giám đốc Điều hành Techcombank, các giải pháp mà ngân hàng này đang thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp thành công hơn, chứ không phải chỉ là các giải pháp ngắn hạn như cơ cấu nợ. "Chúng tôi tập trung vào giải quyết những vấn đề khách hàng đang cần, đang gặp thách thức, khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, dựa trên khả năng của khách hàng và phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Với Techcombank, hiệu quả của ngân hàng luôn gắn liền với sự thành công của khách hàng", ông Hưng chia sẻ.
Cùng với đó, nhà băng này cũng chú trọng tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp với từng phân khúc khách hàng, kết nối khách hàng với chuỗi giá trị để giúp khách hàng ổn định kinh doanh và phát triển hậu Covid-19.
Nhận định về hướng đi sau dịch, giới chuyên gia cho rằng, bản thân các TCTD cũng như DN cần nghiên cứu cẩn trọng xu hướng phục hồi thị trường sau dịch bệnh để khai thác tối đa cơ hội, nhất là mảng logistics, bán lẻ. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ và phù hợp với thị hiếu mới của khách hàng. Tập trung làm tốt điều này sẽ giúp vừa tăng năng suất lao động, giảm thiểu chi phí, vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.