Ngân hàng giảm lãi suất, doanh nghiệp yên tâm vụ cuối năm
Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng
Khác với những đợt giảm lãi suất trước, đợt giảm lãi suất lần này của các ngân hàng được đánh giá là bao phủ diện rộng, áp dụng cho tất cả DN, không chỉ DN thuộc lĩnh vực ưu tiên. Như tại Vietcombank, ngân hàng này công bố giảm lãi suất cho vay 0,5% cho tất cả DN. Đây là lần thứ 3 trong năm Vietcombank giảm lãi suất cho vay. Tương tự, MSB cũng giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng DN và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp. MSB cũng áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi với mức giảm lên đến 2% áp dụng cho các khách hàng mới và tới 1% cho các khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện.
Nhưng bên cạnh đó, nhiều ngân hàng vẫn chỉ giảm lãi suất cho vay đối với các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao... Như tại BIDV, các đối tượng ưu tiên được giảm lãi suất cho vay thêm 0,2-0,5%/năm so với lãi suất hiện hành. VietinBank và Agribank cũng giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với các DN ưu tiên. Ngoài ra, nhiều ngân hàng chưa thông báo chính sách giảm lãi suất nhưng lại đưa ra các gói cho vay ưu đãi. Như gói tín dụng 2.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6,25%/năm cho DN vừa và nhỏ, áp dụng với các khoản vay từ 13/11 của Ngân hàng Quân đội (MB), gói vay 5.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm cho các DN vừa và nhỏ, cá nhân của ACB…
Với những động thái trên, các ngân hàng đều cho biết việc cắt giảm lãi suất lần này là nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của DN trong dịp cuối năm, ngoài ra còn giúp thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất mà Chính phủ đã đề ra từ đầu năm. Các chuyên gia đánh giá, đây có thể là một tín hiệu của việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các DN có thêm “bước đệm” vững trước những biến động kinh tế.
Dòng tiền phải chảy vào sản xuất
Về phía DN, động thái trên của các ngân hàng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực. Hầu hết DN khi được hỏi đều cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất của DN, giúp các DN có thêm niềm tin và động lực để vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Văn Nhượng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng A&A cho biết, tháng 11 này, DN có dự định đầu tư khoảng 5 tỷ đồng mua thêm thiết bị, máy móc để phục vụ sản xuất cuối năm và năm 2020. Tuy nhiên, tiềm lực tài chính của DN chưa đủ mạnh nên bắt buộc phải đi vay ngân hàng. Với khoản vay này, chỉ cần giảm 0,5% lãi suất cho vay đã giúp DN tiết kiệm đc gần 30 triệu tiền lãi vay, từ đó sẽ giúp DN có thêm nguồn tiền cho các hoạt động kinh doanh khác.
Có thể thấy, ý kiến của đại diện DN nêu trên chỉ là về một khoản vay không lớn, nhưng nếu đặt vào “hoàn cảnh” của những DN phải vay vốn lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, thì việc giảm lãi suất của ngân hàng đợt này sẽ như trút được một phần gánh nặng cho DN. Tổng dư nợ hiện nay của các DN khoảng trên 300.000 tỷ đồng, thì tính toán sơ bộ, việc giảm lãi suất cho vay từ 0,2-0,5% sẽ giúp các DN tiết kiệm lên tới hơn 1.500 tỷ đồng một năm.
Thực tế là lâu nay, lãi vay luôn đè lên vai nhiều DN, không vay thì không có vốn làm ăn, nhưng nếu vay thì những khoản tiền lãi có thể ăn mòn lợi nhuận. Do đó, ngân hàng chia sẻ lợi nhuận với DN luôn được DN hoan nghênh, từ đó có thêm động lực để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, giảm lãi suất chỉ là một phần hỗ trợ DN, điều cần thiết hơn cả là việc làm thế nào để DN có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, cũng như nguồn vốn “giá rẻ” của ngân hàng phải chảy đúng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện Công ty Cổ phần Simag chia sẻ, DN luôn gặp khó về vốn, do là DN nhỏ và vừa lại mới đi vào hoạt động được khoảng 2 năm nên chưa thể vay tín chấp tại ngân hàng. DN nhiều lần đề nghị ngân hàng cho vay bằng hợp đồng mua bán nhưng vẫn bị từ chối, ngân hàng vẫn đòi hỏi DN phải có bất động sản hoặc tài sản có giá trị. Cũng về vấn đề này, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội đã nhiều lần chia sẻ, các ngân hàng phải làm thế nào để DN được vay vốn tín chấp, thế chấp bằng phương án kinh doanh khả thi thì mới thực sự là gỡ khó cho DN về vốn. Vì thế, các DN mong muốn những hành động của ngành ngân hàng cần thiết thực, bám sát thực tế của DN nhiều hơn nữa để những cam kết đồng hành, hỗ trợ DN không chỉ dừng lại ở việc hạ lãi suất cho vay.