Ngân hàng Thế giới tư vấn gì cho Việt Nam khi FED nâng lãi suất liên tục?
WB khuyến nghị Việt Nam linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá hối đoái với đồng USD
Ngân hàng Thế giới vừa có Báo cáo cập nhật tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11, tổ chức này nhận định nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn lớn.
Theo WB, trong bối cảnh "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục nâng lãi suất, Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn", WB tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo.
WB cho rằng việc cho phép tỷ giá linh hoạt có thể bằng các phương cách như tiếp tục sử dụng lãi suất tham chiếu, đặc biệt nếu tỷ giá tăng nhanh dẫn đến tăng lạm phát và làm cho kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Theo WB, do áp lực tỷ giá kéo dài, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối.
Việc "phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc", WB nhấn mạnh.
Thực tế, nhằm giảm áp lực hạ giá đồng tiền của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã nâng độ linh hoạt của tỷ giá bằng cách nới rộng biên tỷ giá USD/VNĐ từ +/- 3 phần trăm lên +/- 5 phần trăm, đồng thời nâng các mức lãi suất chính sách thêm 100 điểm cơ bản trong tháng 10.
Báo cáo của WB đưa ra điểm sáng cho Việt Nam khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trở lại, giải ngân FDI tốt và giá cả các sản phẩm nhập khẩu đầu vào hạ nhiệt, nguồn cung dồi dào và nhiều thị trường có dấu hiệu mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tổ chức này đưa ra bức tranh khá tối cho kinh tế Việt Nam trong tháng 11 và cuối năm khi sức cầu bên ngoài chững lại. "Lạm phát giá tăng và điều kiện huy động tài chính trong nước cũng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến cầu nội địa trong vài tháng tới", WB cho hay.
WB cho rằng, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của Việt Nam đều giảm trong tháng 10 vì nhu cầu trong nước và nước ngoài chững lại. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống mức thấp trong 12 tháng qua, đạt 4,8% (so cùng kỳ năm trước) do nhu cầu bên ngoài yếu đi, lạm phát tăng cao.
Tăng trưởng tín dụng hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, lãi suất tăng cao và dòng tiền đóng băng vào bất động sản khiến thanh khoản của lĩnh vực này khó khăn. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh do các ngân hàng chủ động dự trữ bắt buộc và cơ cấu lại các nhóm nợ, cơ cấu lại nguồn vốn.