Ngân hàng thống nhất giảm lãi suất tiết kiệm, kỳ vọng "cơn nóng" lãi vay hạ nhiệt

14/02/2023 13:32 GMT+7
Lãi vay cao đang là mối lo của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Chính vì vậy, động thái giảm lãi suất tiết kiệm được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Lãi suất tiết kiệm giảm, nhưng lãi vay trung bình vẫn lên tới 16%/năm

Thống kê mới nhất từ Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 6 tháng đã có điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng trong thời gian qua, mặc dù mức độ giảm không đáng kể (chỉ 50 điểm cơ bản). Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8% đến 9,5%/năm đối với tiền gửi thông thường.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại không có nhiều thay đổi – vẫn ở mức trung bình khoảng 12%-16%/năm. Mức lãi suất này được các chuyên gia đánh giá, khó khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Ngân hàng thống nhất giảm lãi suất tiết kiệm, kỳ vọng "cơn nóng" lãi vay hạ nhiệt - Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm giảm, nhưng lãi vay trung bình vẫn lên tới 16%/năm.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) thừa nhận, nếu lãi suất trên 10%/năm thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư. Ông Hòa cho rằng, ngành ngân hàng nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi vay xuống để kích thích đầu tư.

"Chúng ta cũng biết, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi ngân hàng, cổ đông... nhưng nên có sự đồng hành chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp", ông Hòa nhấn mạnh.

Mong muốn của ông Hòa cũng là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Tại hội nghị tín dụng bất động sản mới đây, nhiều doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị giảm lãi suất cho vay, để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và phát triển.

Về phía nhà quản lý tiền tệ, mục tiêu tiếp tục đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn được Ngân hàng Nhà nước thể hiện khá rõ ràng, đặc biệt thông qua việc cơ quan quản lý thị trường tiền tệ liên tục nhắc nhở các ngân hàng phải tìm các biện pháp đưa lãi suất xuống thấp.

Các ngân hàng thương mại cũng đã có cuộc họp trước hội nghị về tín dụng bất động sản được tổ chức bởi Ngân hàng Nhà nước, đã thống nhất giảm lãi suất huy động 12 tháng tối đa từ 9,5% về 8,7%/năm.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM và các doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng, động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng lần này sẽ là một trong những "chìa khóa" giúp cho các nhà băng có thêm dư địa để hạ lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp.

Lãi vay sẽ giảm?

Trên thực tế, sau thông tin "các ngân hàng thống nhất giảm tiếp lãi suất tiết kiệm", từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, MBBank tiên phong giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp kể từ 10/2/2023.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất cho vay có thể chưa ngay lập tức diễn ra trên quy mô toàn hệ thống nhưng dẫu sao nó cũng là một tin vui đối với các doanh nghiệp đang "mỏi mắt" tìm vốn hay đang phải chịu một mức lãi suất rất cao trong thời điểm này. Khi những ngân hàng đầu tiên điều chỉnh lãi vay sẽ tạo "hiệu ứng domino", tăng sức cạnh tranh cho các nhà băng khác. Từ đó, có thể giúp hạ nhiệt "cơn nóng" lãi suất trong thời gian tới.

Hơn nữa, trong thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ có nhiều dư địa để điều chỉnh giảm khi tỷ giá USD/VND đã dần ổn định những ngày qua và lãi suất liên ngân hàng cũng không còn quá căng thẳng.

Ngân hàng thống nhất giảm lãi suất tiết kiệm, kỳ vọng "cơn nóng" lãi vay hạ nhiệt - Ảnh 3.

"Cơn nóng" lãi vay kỳ vọng hạ nhiệt trong thời gian tới.

Lãi suất cho vay có giảm hay không?

Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, việc giảm lãi suất cho vay còn tùy thuộc quản trị rủi ro, chi phí hoạt động của mỗi ngân hàng. Lãi suất cho vay gồm rất nhiều loại chi phí: chi phí huy động vốn, thanh khoản, chi phí xác suất vỡ nợ,… Trong bối cảnh rủi ro thì ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ NIM đủ để bù đắp rủi ro khi thị trường có biến động.

"Điều đáng nói là từ khi đại dịch đến nay ngành ngân hàng chia sẻ rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cổ đông, bảo toàn vốn. Do vậy, ngân hàng và doanh nghiệp ngồi bàn bạc phải đưa ra giải pháp hài hòa lợi ích", đạo ngân hàng này cho hay.

Về kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: "Việc giảm lãi suất trong năm 2023 là nỗ lực rất lớn, chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu với Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, tiết giảm chi phí để có điều kiện, năng lực tài chính giảm cho các đối tượng khách hàng mục tiêu, phù hợp với khẩu vị kinh doanh của các ngân hàng thương mại thời gian tới. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành ngân hàng".

H.Anh
Cùng chuyên mục