Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2)

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 28/12/2023 06:06 AM (GMT+7)
Một trong những “luật chơi” mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm gỗ. Các doanh nghiệp gỗ cao su phải chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ để tìm cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bình luận 0

Gỗ cao su tìm cơ hội trong khó khăn

Chế biến, xuất khẩu gỗ là một trong những ngành mà Công ty CP Cao su Tây Ninh có góp vốn đầu tư. Ông Nguyễn Hồng Thái - Tổng Giám đốc Cao su Tây Ninh cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng lớn bởi chiến tranh giữa các nước lớn, việc thắt chặt chi tiêu do tình hình lạm phát trên toàn cầu.

Sản phẩm gỗ không phải là mặt hàng thiết yếu, người dùng chỉ mua sắm khi đã dư giả. Và khi thị trường khó khăn, khách hàng lại càng xét nét về giá bán. Các trung tâm chế biến gỗ tập trung ở Bình Dương, Đồng Nai cũng gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng. Toàn ngành gỗ bị ảnh hưởng chung chứ không riêng gì các doanh nghiệp gỗ cao su.

Theo ông Thái, một trong những thị trường khó tính nhưng dễ làm, dễ bán là thị trường Nhật. Thế nhưng, dân số Nhật ngày càng già hóa. Doanh số bán tại Nhật không cao. Thị trường Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong đó có ngành bất động sản. Nhu cầu mua sắm gỗ nội thất cũng giảm nhiều.

Phòng trưng bày sản phẩm gỗ nội thất xuất khẩu của một doanh nghiệp tại Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Phòng trưng bày sản phẩm gỗ nội thất xuất khẩu của một doanh nghiệp tại Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp gỗ đang đối mặt nhiều thách thức khi đơn hàng phải cạnh tranh hơn, đòi hỏi cao về mẫu mã, chất lượng và giá cả.

Tuy nhiên, những khó khăn này cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự làm mới mình. Doanh nghiệp từ chỗ chỉ làm những đơn hàng truyền thống cần chuyển hướng đến các sản phẩm mang tính bảo vệ môi trường, đa dạng về mẫu mã.

Nếu trước đây, khách hàng chỉ yêu cầu chứng chỉ với một khâu, thì hiện nay họ yêu cầu với tất cả các khâu trong toàn chuỗi cung ứng, từ xác định nguồn gốc nguyên liệu đến sản xuất trong nhà máy, cho đến đầu ra, hệ thống tiêu thụ và đến tận tay khách hàng. "Do đó, các doanh nghiệp phải giảm chi phí từ khâu đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố môi trường", ông Mạnh nói.

Bà Lê Thị Xuyến – Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết, công ty đặt mục tiêu hàng đầu là tìm kiếm đơn hàng, chủ động đàm phán với khách hàng, giảm giá hàng bán để có đơn hàng mới.

Theo bà Xuyến, một trong những "luật chơi" mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm gỗ. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc. Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để doanh nghiệp có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.

Công ty Gỗ Thuận An sẽ tiếp tục duy trì thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015, và hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm FSC-CoC; kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, bà Xuyến chia sẻ.

Công nhân chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Công nhân chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Công ty CP Chế biến Gỗ Cao su Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) cũng đang cải thiện năng lực toàn diện để đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường Mỹ và Châu Âu. Ông Lê Thành Trung – Tổng Giám đốc Công ty cho biết, lợi thế của đơn vị là nguồn gỗ thanh lý hàng năm của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã được cấp chứng nhận bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/ PEFC-FM.

"Sản phẩm truy xuất nguồn gốc rõ ràng là một lợi thế để công ty đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường mới", ông Trung nói.

Doanh nghiệp gỗ cao su phải chủ động nguồn nguyên liệu bền vững

Theo các doanh nghiệp gỗ cao su, trước đây, các công ty có lợi thế được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho phép phân bổ nguồn gỗ cao su thanh lý trong ngành. Hiện tại thì không.

Một doanh nghiệp kể, ngày trước, trong 100% nguồn gỗ phân bổ, VRG sẽ chọn ra 30% đấu giá bên ngoài; sau đó, lấy mức giá này áp cho 70% còn lại. Mức giá được áp dù có vao nhưng vẫn dễ thở hơn khi hiện nay, các doanh nghiệp tự đấu giá bên ngoài thị trường. Bởi vì nguyên liệu đem về có giá cao trong khi giá bán thành phẩm lại sụt giảm.

Ông Phan Quốc Khải – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến & Xuất nhập khẩu Gỗ Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) cũng cho biết, do thực hiện đấu giá 100% nên nguồn nguyên liệu gỗ không ổn định. 

Cao su tiểu điền của nông dân tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cao su tiểu điền của nông dân tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thêm nữa, nguồn gỗ cao su tiểu điền cũng như nguồn gỗ từ các công ty cao su ngoài Tập đoàn ở vùng Đông Nam bộ ngày càng khan hiếm, giá bán cao. Công ty này gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nguồn nguyên liệu để tổ chức sản xuất.

Theo lãnh đạo Công Ty CP Gỗ Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), giá mủ cao su sụt giảm trong một thời gian dài dẫn đến tình trạng chặt cây cao su với quy mô lớn để trồng các loại cây khác. Nhiều địa phương trong vùng Đông Nam Bộ chuyển từ đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp.

Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu gỗ cao su cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong giai đoạn trước mắt và trong dài hạn. Cạnh tranh về nguồn nguyên liệu gỗ diễn ra ngày càng gay gắt.

Trong tương lai không xa, nguồn gỗ cao su cung cấp cho sản xuất, chế biến cũng sẽ không còn nhiều. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất là mối lo trong dài hạn mà các công ty phải tính đến.

Ông Lê Thanh Hưng – Tổng giám đốc Tập đoàn VRG cho biết, gỗ và sản phẩm từ gỗ cao su là một trong những nguồn thu lớn của Tập đoàn, nhưng giá bán giảm sâu do ảnh hưởng chung của toàn ngành.

Các doanh nghiệp cần chủ động phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững cho mình. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các doanh nghiệp cần chủ động phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững cho mình. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Hưng, các công ty chế biến gỗ nhờ có vị trí địa lý cũng như nguồn nguyên liệu gỗ cao su tập trung nhiều ở miền Đông. Đây là vùng có nguồn cung gỗ cao su lớn và cũng là vùng xuất khẩu chủ yếu của cả nước.

Các công ty thành viên có lợi thế về hỗ trợ nguồn nguyên liệu cây cao su hàng năm. Gỗ cây cao su đã có được chứng nhận quản lý rừng bền vững của VFCS/ PEFC và tăng dần trong các năm tiếp theo.

"Giai đoạn 2022-2025, Tập đoàn tiếp tục tái cơ cấu ngành gỗ. Định hướng đến năm 2030, VRG xây dựng ngành sản xuất gỗ đạt trình độ và năng lực tiên tiến. Tất cả các sản phẩm gỗ xuất bán được sử dụng từ nguồn gỗ hợp pháp và có chứng chỉ rừng bền vững", ông Hưng chia sẻ.

Tuy nhiên, đánh giá hiệu suất các nhà máy sản xuất ở mức thấp, cho thấy các công ty phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu của Tập đoàn, chưa chủ động, tích cực thu mua, tạo nguồn nguyên liệu, làm cho hoạt động một số công ty kém hiệu quả.

Tập đoàn hiện có hơn 100.000ha cao su được cấp chứng chỉ rừng bền vững VFCS/PEFC. Tập đoàn luôn ưu tiên nguồn gỗ có chứng chỉ phân bổ theo quy định cho các nhà máy sản xuất gỗ thành viên để liên kết chuỗi và nâng giá trị.

Bên cạnh đó, ông Hưng đề nghị, các công ty gỗ cần tích cực tiếp thị gỗ có chứng chỉ đến khách hàng. Hoặc, có thể đăng ký về Tập đoàn để nhận hỗ trợ về nguồn gỗ có chứng chỉ rừng bền vững để tạo lợi thế cạnh tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem