Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tụt giảm

13/06/2023 07:53 GMT+7
5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,1 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2022...

Ước tính, trong tháng 5/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng 4/2023, nhưng giảm 13,9% so với tháng 5/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 801 triệu USD, tăng 3,1% so với tháng 4/2023, nhưng giảm 16,1% so với tháng 5/2022. 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,1 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,4 tỷ USD, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tụt giảm - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tụt giảm

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tụt giảm - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm 59,7% tổng trị giá xuất khẩu. Tuy nhiên trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ giảm mạnh do lạm phát gia tăng ở các thị trường xuất khẩu, dẫn đến nhu cầu chậm lại. 

Kinh tế toàn cầu tiếp tục bất ổn, khó đoán định, thị trường chưa có tín hiệu khả quan nên doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. 

Tiếp theo là mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2023 trị giá xuất khẩu dăm gỗ có xu hướng chậm lại và xuất khẩu viên nén gỗ giảm, do xuất khẩu sang các thị trường chính là Nhật Bản và Hàn Quốc giảm. 

Các bất ổn do xung đột vũ trang giữa Nga và UKraine, cước vận chuyển cao tạo ra tâm lý dự trữ hàng tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tới nay, lượng hàng tồn tại hai thị trường này ở mức cao, nên nhu cầu nhập khẩu tại 2 thị trường này có xu hướng giảm.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tụt giảm - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tụt giảm - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Thực tế, lạm phát tại Hoa Kỳ và EU vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản đang ở giai đoạn trầm lắng cũng là những nguyên nhân chính khiến cho xuất khẩu đồ gỗ, nhất là đồ gỗ nội thất của Việt Nam khó phục hồi trong thời gian tới.

Lý giải nguyên nhân xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ suy giảm mạnh, Hiệp hôi Gỗ và Lâm sản (Vifores) cho rằng do sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Đây là thực tế rất khó khăn đối với ngành gỗ. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023. Do các nhà nhập khẩu tồn kho còn nhiều, chỉ mặt hàng nào tồn kho xuống thấp khách đặt mới và doanh nghiệp mới có được đơn hàng.

Vifores cho biết tại thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy.

Mục tiêu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 là hoà vốn, và hy vọng đến quý III, quý IV thị trường sẽ tốt lên, doanh nghiệp vẫn có sẵn lực lượng để sản xuất.

Trong nửa cuối năm 2023, kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tích cực hơn khi các nền kinh tế được cải thiện, du lịch tăng cao khiến nhu cầu thay thế các sản phẩm nội thất tại nhà hàng khách sạn gia tăng; hoạt động xây dựng khởi sắc, kéo nhu cầu về đồ nội thất tăng... 

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục