Ngành mía đường nhiều tín hiệu “hồi sinh”

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 30/06/2021 06:07 AM (GMT+7)
Quyết định số 1578 của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan được đánh giá là vô cùng cần thiết, dù hơi muộn màng.
Bình luận 0

Trên thực tế, giá mía nguyên liệu trong niên vụ 2020 – 2021 đã tăng, nhiều người kỳ vọng quyết định này sẽ kéo nông dân quay trở lại với cây mía...

Nhập khẩu tăng 5.735%

Không phải đến bây giờ câu chuyện đường nhập từ Thái Lan mới khiến các doanh nghiệp trong ngành mía đường đau đầu mà nó đã trở thành nỗi ám ảnh của ngành mía đường trong nhiều năm trở lại đây, đẩy ngành mía đường từ đỉnh cao xuống vực sâu khi nhiều nhà máy đường buộc phải đóng cửa, phá sản hoặc sản xuất cầm chừng.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 3 tháng đầu năm 2021, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã tăng một cách đột biến, lên tới 5.735% so với 3 tháng đầu năm 2020. Đây là con số chứa đựng nhiều điều bất thường.

Ngành mía đường nhiều tín hiệu “hồi sinh”  - Ảnh 1.

Nông dân tỉnh Kon Tum thu hoạch mía. Ảnh: T.L

Theo khảo sát của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2019-2020, diện tích trồng mía tiếp tục bị giảm 15-20%. Dự báo, niên vụ 2020-2021, tiếp tục sẽ thiếu hụt nguồn cung mía nguyên liệu cho các nhà máy. Hiện, chỉ còn 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, tổng lượng mía Việt Nam chỉ đạt 5.290.000 tấn mía, tương đương 530.000 tấn đường.

Trong một cuộc tọa đàm về cơ hội và thách thức của ngành mía đường sau Quyết định 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năng lực sản xuất trung bình của Việt Nam hàng năm đạt 1-1,3 triệu tấn đường trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và cho sản xuất chế biến là khoảng hơn 2 triệu tấn/năm.

Ngành mía đường nhiều tín hiệu “hồi sinh”  - Ảnh 3.

Giai đoạn 2017-2019 đường nhập khẩu vào Việt Nam đạt 200.000 - 400.000 tấn. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến, đạt hơn 1,5 triệu tấn. "Do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến trong năm 2020 nên sản lượng đường sản xuất trong nước bị ảnh hưởng đáng kể (niên vụ 2019-2020 ép chưa được 900.000 tấn đường so với trung bình hàng năm trên 1,2 triệu tấn đường)" - bà Trang thông tin.

Cũng theo bà Trang, ngay sau khi Bộ Công Thương có quyết định áp thuế phòng vệ thương mại, đã thấy có một số dấu hiệu tích cực khi giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020. Giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50.000 -100.000 đồng/tấn.

img

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương): Nông dân có kế hoạch mở rộng diện tích mía

Đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Ngay từ Quyết định số 477 ngày 9/2/2021 của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, các nhà sản xuất đường trong nước cho rằng rất kịp thời và mang lại hiệu quả tích cực cho các bên liên quan của ngành mía đường trong nước.

Lần đầu tiên, qua nhiều năm, người nông dân tiêu thụ hơn 6 triệu tấn mía. Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường, đơn vị sản xuất, tại nhiều địa phương, người nông dân đã có kế hoạch mở rộng trồng mía trong niên vụ năm 2021- 2022.

img

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT): Ưu tiên công nghệ chế biến sâu

Ngành mía đường đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi một tâm thế mới, đó chính là sự chủ động của cả cơ quan quản lý nhà nước để theo kịp với tín hiệu của thị trường.

Vừa qua Bộ NNPTNT đã phối hợp Bộ KHCN để có một chương trình phát triển thị trường khoa học công nghệ quốc gia và chuẩn bị trình Thủ tướng. Theo đó, sẽ ưu tiên và lựa chọn nguồn đầu tư vào thẳng những vấn đề liên quan công nghệ chế biến sâu, trong đó có mía đường. Đây là một ưu tiên thực sự, ưu tiên về nguồn lực tài chính, ưu tiên về chính sách.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ để làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là về chính sách ứng dụng thương mại đối với các nhà máy đường phù hợp với vòng quay của chu kỳ thu hoạch, phù hợp với khả năng của các nhà máy mía đường, và phù hợp với chủ thể người nông dân...

P.V (ghi)

Đơn cử như Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, giá mua mía 10 CCS trước vụ ép là 1 triệu đồng/tấn tại ruộng, cao hơn giá trong vùng 200.000 đồng/tấn và cao hơn so với vụ trước 2019-2020 là 150.000 đồng/tấn.

Bà Lê Thị Quỳnh Trang - Chủ tịch HTX Tân Tiến (Gia Lai) có hàng trăm ha mía nguyên liệu, cho biết, giá thu mua nguyên liệu của Công ty Mía đường Thành Công đối với vùng nguyên liệu của HTX đã tăng khoảng 20%. "Quyết định áp thuế đối với đường nhập khẩu của các cơ quan chức năng là một quyết định hợp lý và cần thiết, góp phần bảo vệ những người trồng mía như chúng tôi và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành mía đường" - bà Trang nói.

Phao cứu sinh cho ngành mía đường

Tháng 9/2020, trên cơ sở hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra chống bán phá, chống trợ cấp đối với đường mía Thái Lan.

Đến ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã có Quyết định 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Tiếp đó, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Quyết định trên được đưa ra dựa trên kết quả điều tra cho thấy, đường mía xuất xứ Thái Lan bán phá giá ở mức 42,99%, trợ cấp 45,65%, tổng mức độ bán phá giá và trợ cấp là 47,64%.

Ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, việc áp thuế phòng vệ thương mại là sự can thiệp kịp thời và chẳng khác nào chiếc phao cứu sinh xuất hiện kịp thời trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh của ngành đường Việt Nam. Tuy nhiên, do đã bị thiệt hại quá nặng nề nên việc phục hồi của ngành sẽ còn rất nhiều gian truân, trở ngại, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành.

Theo ông Lộc, việc nhập khẩu đường Thái Lan giá thấp khiến các nhà máy đường gặp nhiều khó khăn, không thể mua mía với giá cao đã làm cho diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng. Diện tích mía của cả nước từ 300.000ha đã giảm gần một nửa, chỉ còn dưới 160.000ha. Từ con số 41 nhà máy đường, đến nay chỉ còn 29 nhà máy hoạt động nhưng cầm chừng, nguyên liệu thiếu trầm trọng nên chỉ đáp ứng được 50% công suất thiết kế.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, bà Lê Thị Quỳnh Trang cho rằng, để phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía, cần khuyến khích bà con tham gia vào HTX nông nghiệp để mở rộng diện tích và thông qua HTX nông nghiệp sẽ thu hút chính sách hỗ trợ của Nhà nước để hỗ trợ lại cho hộ dân phát triển cây mía. "Chúng tôi đề xuất thêm chính sách hỗ trợ của nhà nước để các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, để giảm chi phí sản xuất, có thêm chính sách hỗ trợ nông dân khi gặp rủi ro trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh" - bà Trang nói.

Theo ông Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), để phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía, quan trọng nhất là người trồng mía và nhà máy phải có tiếng nói chung. Nhà máy cần hiểu là giúp đỡ nông dân để có nguồn nguyên liệu thì mình mới làm tốt.

Để đảm bảo nguyên liệu cho vụ ép tới, ông Nguyễn Văn Lộc khuyến cáo các doanh nghiệp mía đường tùy vào hoàn cảnh thực tế tại mỗi địa phương, cần sớm xem xét, điều chỉnh tăng giá mua mía, sao cho người nông dân có thể bù đắp đủ các chi phí, cộng thêm tối thiểu 10% lợi nhuận. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem