Ngành tôm nhắm tới 3,9 tỷ USD

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 08/02/2022 13:50 PM (GMT+7)
Năm 2022, con tôm Việt Nam được nhìn nhận sẽ có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ với sức cạnh tranh ngày càng cao. Vì vậy ngành thủy sản đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,9 tỷ USD trong năm nay.
Bình luận 0

Nhiều cơ hội xuất khẩu tôm

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 12/2021, xuất khẩu tôm đạt 40.000 tấn, trị giá 360 triệu USD, tăng 15,31% về lượng và tăng 22,59% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Những con số này cho thấy xuất khẩu tôm tiếp tục phục hồi sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9/2021 do tác động của dịch Covid-19. 

Chứng tỏ một điều, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã thích nghi nhanh với trạng thái bình thường mới, nỗ lực phục hồi sản xuất và xuất khẩu.

Ước tính xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2021 đạt 420.300 tấn, trị giá 3,871 tỷ USD, tăng 2,22% về lượng và tăng 4,83% về trị giá so với năm 2020.

Đánh giá về những kết quả này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là những yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đã tận dụng tốt cơ hội, nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.

tannien/Ngành tôm nhắm tới 3,9 tỷ USD  - Ảnh 1.

Nông dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: C.L

"Tuy dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2022 có nhiều triển vọng. Tôm là thực phẩm nhiều người ưa chuộng, do thơm - ngon - bổ nên nhu cầu tăng trưởng tiếp tục ở trạng thái tốt".

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT

Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta

Theo đó, giá xuất khẩu trung bình tôm của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 9,09 USD/kg, tăng 0,42USD/kg so với tháng 11/2020. 

Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản tăng trưởng khả quan, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Trung Quốc, Nga giảm.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu tôm của thế giới năm 2022 nhiều khả năng sẽ không giảm. Do đó, dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng.

tannien/Ngành tôm nhắm tới 3,9 tỷ USD  - Ảnh 3.

Ông Trần Đình Luân Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Vẫn còn nhiều thách thức

"Bên cạnh thuận lợi, một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.

Điển hình như Hàn Quốc, sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Thời gian xử lý nhiệt trên tôm theo quy định của Hàn Quốc dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị. Brazil cũng quy định chế độ xử lý nhiệt rất khắt khe so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới".

Ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Tăng nhanh sản lượng

"Năm 2022, địa phương phấn đấu diện tích nuôi tôm không tăng nhưng sản lượng tăng, do vậy, tỉnh chủ trương nuôi tôm thâm canh, tăng chất lượng tôm nuôi, đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng khâu đầu vào, nhất là yếu tố về giống.

Tuy nhiên, tỉnh cũng đề nghị Bộ NNPTNT cùng các bộ ngành liên quan kiểm soát tốt giá cả các yếu tố đầu vào như: giống, thức ăn, thuốc thú y,… bởi giá của những mặt hàng này còn tăng nhanh hơn cả giá tôm".

Ở góc độ thị trường, bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP) thông tin: "Thị trường hàng đầu của xuất khẩu tôm là Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022 do nhu cầu tăng và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19. Đặc biệt, tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh hơn khi Ấn Độ cũng gặp nhiều rào cản do dịch Covid-19 và có thể tôm của Ấn Độ sẽ bị Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá từ 3% lên 7,15% vào tháng 11/2021".

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; diện tích nuôi tôm đạt 740.000-745.000ha; sản lượng tôm các loại 980.000 tấn. Mục tiêu trị giá xuất khẩu tôm đặt ra trong năm 2022 là 3,9 tỷ USD, tăng 2,63% so với năm 2021.

Đưa ra nhìn nhận khả quan hơn cho xuất khẩu tôm năm 2022, theo VASEP, con số thu về sẽ đạt khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. 

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đây chính là cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu tôm.

Đâu là yếu tố then chốt?

VASEP cho biết, những năm gần đây, tôm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Năm 2020, tôm chiếm 44% xuất khẩu thuỷ sản với trên 3,7 tỷ USD, thì sang năm 2021, con tôm chiếm 50%. 

Điều đáng tự hào là con tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại hầu hết các thị trường, với kim ngạch vượt trội so với các quốc gia khác.

Ông Dương Vũ Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau nhìn nhận, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện đang là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam. 

Ước tính năm 2021, xuất khẩu tôm của Cà Mau đạt kim ngạch 1,02 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ, đóng góp 1/4 kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.

Hiện tỉnh Cà Mau có trên 40 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm; trong đó 32 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với tổng công suất đạt 250.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến XNK thủy sản Minh Cường cho biết, xuất khẩu tôm năm nay "khó trong nhưng thuận ngoài". 

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, làm chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển tăng. Song thuận lợi ở chỗ các nước trên thế giới đồng loạt mở cửa, thị trường rộng mở.

Trong khi đó, theo bà Lê Hằng, ngành hàng tôm có thế mạnh về thị phần, lợi thế về chất lượng so với đối thủ cạnh tranh, sản phẩm đa dạng phù hợp với mọi phân khúc…

Tại hội nghị về kế hoạch triển phát triển nuôi tôm 2022 do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ: "Chúng ta đang thực hiện 16 FTA, các thị trường đều có yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn. Phấn đấu năm 2022, ngành tôm đạt sản lượng 980.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu từ 3,9 đến 4,1 tỷ USD"- lãnh đạo Bộ NNPTNT nhấn mạnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem