Ngành xây dựng khó khăn, CTD của ông Nguyễn Bá Dương bốc hơi 11.500 tỷ?

Huyền Anh Thứ tư, ngày 20/11/2019 09:00 AM (GMT+7)
Không một đồng vay nợ, nhưng cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons do ông Nguyễn Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT đang được giao dịch quanh mức giá 71.000 đồng/cp, đã “bốc hơi” gần 56% so với đầu năm, còn tính từ cuối năm 2017, cổ phiếu này đã giảm 68%, tương đương gần 11.500 tỷ đồng giá trị thị trường tan như bọt bóng.
Bình luận 0

Kết thúc ngày giao dịch 19/11, cổ phiếu CTD của Coteccons chốt tại mức giá 71.000 đồng/cp, tăng gần 3% so với giá tham chiếu và 0,42% so với phiên giao dịch liền trước.

Tuy nhiên, nếu so với đầu năm (160.000 đồng/cp), thị giá của cổ phiếu CTD đã “bốc hơi” gần 56%. Còn tính từ mức đỉnh cao nhất lập được hồi cuối năm 2017, cổ phiếu xây dựng từng một thời được săn đón đã giảm đến hơn 68%, tương đương gần 11.500 tỷ đồng giá trị thị trường tan như bọt bóng.

img

Thị giá cổ phiếu CTD trong vòng 5 năm qua

Cổ phiếu CTD tiếp tục tụt giảm không ngừng và hiện ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Thậm chí, từ đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại hơn 230.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) xuống mức 71.000 đồng/cp như hiện tại khiến vốn hóa Coteccons bốc hơi 12 nghìn tỷ đồng (550 triệu USD). Giá trị vốn hóa thị trường của Coteccons chỉ còn trên 5.400 tỷ đồng.

Cổ phiếu CTD tụt giảm và liên tục xác lập đáy mới bất chấp doanh nghiệp này gần đây trả cổ tức bằng tiền mặt 30% và mua vào cổ phiếu quỹ.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu 8.226 tỷ đồng. Điều này tương đương với việc cổ phiếu CTD đang được bán với giá 71.000 đồng/cp, trong khi mỗi cổ phần sở hữu lượng tiền đến 52.100 đồng và giá trị sổ sách hơn 107.800 đồng (tương ứng hệ số P/B là 0,67). Những con số này cho thấy, mức định giá mà thị trường dành cho cổ phiếu CTD là tương đối thấp so với một doanh nghiệp đầu ngành và không có một đồng nợ vay như Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương.

Nói về nguyên nhân cổ phiếu của Coteccons lao dốc phải kể đến bức tranh hoạt động kinh doanh ngày càng bết bát của doanh nghiệp này. Lợi nhuận “đổ đèo”, dòng tiền hoạt động kinh doanh thường trong trạng thái âm trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, kết thúc năm 2018, Coteccons ghi nhận doanh thu gần 28.561 tỷ đồng, tăng 5,19% so với năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 1.510 tỷ đồng, bốc hơi 9% so với lãi ròng của năm liền trước. Trước đó, Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình hơn 40% mỗi năm trong 10 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trung bình bình quân gần 50%, và đạt mức cao nhất 1.653 tỷ đồng vào năm 2017.

Tại báo cáo tài chính quý III/2019, doanh thu của Coteccons trong 9 tháng đầu năm nay giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt 16.260 tỷ đồng còn lãi ròng chỉ đạt 470 tỷ đồng, sụt đến 60%.

Đáng nói hơn, một phần đáng kể trong khoản lợi nhuận kể trên đến từ tiền lãi gửi ngân hàng chứ không từ hoạt động kinh doanh của Coteccons. Trong 9 tháng đầu năm 2019, lãi từ tiền gửi ngân hàng đã đóng góp đến gần 32% trong 604 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này.

img

Hoạt động kinh doanh của Coteccons đi xuống trong bối cảnh có nhiều trục trặc trong nội bộ doanh nghiệp, cạnh tranh trong ngành xây dựng tăng mạnh, trong khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chùng lại, các dự án mới khởi công ít.

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa qua của Coteccons, lãnh đạo Coteccons dự kiến trình phương án hợp nhất Coteccons cùng công ty liên kết là Ricons. Theo ông Nguyễn Bá Dương, chủ tịch HĐQT Coteccons, việc hợp nhất này nhằm tăng khả năng “phòng thủ” của doanh nghiệp. Việc sáp nhập sẽ biến Coteccons sở hữu 3 công ty trong TOP 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị cổ đông lớn của Coteccons là Kustocem phản đối. Kết quả, sau thời gian nghị luận căng thẳng, các cổ đông của Công ty Xây dựng Coteccons đồng loạt thống nhất gạt bỏ tờ trình về thương vụ sáp nhập với Ricons ra khỏi Đại hội cổ đông thường niên năm nay, không cần phải biểu quyết.

Đáng chú ý, vào thời điểm cuối tháng 9/2019, Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương sở hữu lượng tiền, tiền gửi lên đến 3.975 tỷ đồng. Lượng tiền dồi dào của Coteccons có thể giúp bảo đảm cổ tức tiền mặt trong những năm sắp tới cho cổ đông, đồng thời đủ nguồn lực nếu Ban lãnh đạo Công ty muốn thực hiện những đợt mua cổ phiếu quỹ khi CTD đi vào vùng giá thấp.

Tuy nhiên, việc này có thể khó thực hiện được khi mà bối cảnh chung ngành xây dựng đang rất khó khăn, CTD phải sử dụng nguồn tiền tiết kiệm sẵn để thanh toán cho nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công khi dòng tiền thu được từ khách hàng chậm.

img

Cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương đã ghi nhận âm trong gần 2 năm trở lại đây. Điều này đã khiến lượng tiền của Công ty vơi đi đáng kể, so với mức đỉnh vào cuối năm 2017.

Tại thời điểm 30/9/2019, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Coteccons âm gần 514 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 9 năm 2019, dòng tiền kinh doanh của Coteccons đã âm tổng cộng xấp xỉ 1.449 tỷ đồng, sau một khoảng thời gian liên tục ghi nhận dương kể từ năm 2012.

Giới phân tích cho rằng, khi mà viễn cảnh của ngành xây dựng nội địa vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ nét, cùng với đó là việc dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Coteccons vẫn ghi nhận âm, cổ phiếu CTD có lẽ còn gặp lắm chông gai trên thị trường chứng khoán. Và nếu tình trạng này kéo dài, vị trí số 1 của CTD khó lòng có thể giữ vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem