Là một trong 4 lễ hội lớn ở Bắc Giang, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Lục Ngạn có gì hấp dẫn?

Khương Lực Thứ năm, ngày 09/03/2023 05:39 AM (GMT+7)
Tối 8/3, tại Quảng trường trung tâm huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn lần thứ XXI, năm 2023. Ngày hội diễn ra trong 2 ngày dự báo sẽ thu hút trên 100.000 lượt du khách về vui chơi, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao.
Bình luận 0

Tối 8/3, tại Quảng trường trung tâm huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn lần thứ XXI, năm 2023. 

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn lần thứ XXI, năm 2023 được tổ chức từ ngày 8/3 đến hết ngày 9/3 (tức từ ngày 17 đến hết ngày 18 tháng Hai, năm Quý Mão). Đây là một trong 4 lễ hội lớn được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận, được tổ chức 5 năm 1 lần.

Là một trong 4 lễ hội lớn ở Bắc Giang, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Lục Ngạn có gì hấp dẫn? - Ảnh 1.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đánh trống khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn năm 2023. Ảnh: Khương Lực

Năm nay, ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn diễn ra quy mô mở với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: Hội trại văn hóa; trưng bày, giới thiệu và thi văn hóa ẩm thực truyền thống; Giao lưu, biểu diễn nghệ thuật quần chúng; thi hát đối đáp, giao duyên; trình diễn người mặc trang phục dân tộc đẹp; trưng bày sinh vật cảnh, nghệ thuật thư pháp; thi đấu các môn thể thao và trò chơi dân gian. Tổ chức không gian quảng bá, giới thiệu, xúc tiến du lịch…

Đặc biệt, tại Ngày hội năm nay, lần đầu tiên huyện Lục Ngạn tổ chức Giải chạy việt dã chinh phục non thiêng Am Vãi lần thứ nhất. Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thông tin, ngày hội năm nay được tổ chức sau 7 năm, trong đó có 3 năm gián đoạn do ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch Covid-19, nhằm tạo khí thế mới vui tươi, phấn khởi, động viên toàn thể nhân dân quyết tâm lao động sản xuất, học tập, công tác đạt nhiều thắng lợi mới.

Theo ông Nam, từ năm 1996, khi Hội hát lần đầu tiên được tổ chức quy mô cấp huyện cho đến nay, tất cả những nét đẹp đặc sắc nhất của các phiên chợ và hội hát xưa đều được nghiên cứu, chọn lọc, tổng hợp để phục dựng, bảo tồn, kế thừa và  phát triển trở thành nội dung cốt lõi của Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn ngày nay. 

"Hồn cốt nhất chính là hình ảnh đồng bào các dân tộc thiểu số khi đi dự hội đều mặc trang phục truyền thống, nói tiếng nói dân tộc, hát dân ca,  hát giao duyên, hát đối đáp, chơi trò chơi dân gian, giao lưu thưởng thức ẩm thực truyền thống tiêu biểu nhất… của mỗi dân tộc" - ông Nam nói.

Là một trong 4 lễ hội lớn ở Bắc Giang, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Lục Ngạn có gì hấp dẫn? - Ảnh 2.

Đến với Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn năm 2023, bà con nhân dân và du khách thập phương thưởng thức những tiếp tục văn nghệ đặc sắc từ bà con các dân tộc trên địa bàn và các địa phương kết nghĩa với huyện Lục Ngạn. Ảnh: Khương Lực

Là một trong 4 lễ hội lớn ở Bắc Giang, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Lục Ngạn có gì hấp dẫn? - Ảnh 3.

Trò chơi bịt mắt bắt vịt thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân và du khách. Ảnh: Khương Lực

Trong những ngày phiên chợ đầu Xuân ở Lục Ngạn, người dân từ các làng bản vùng cao đến các xóm thôn vùng thấp; từ già, trẻ, gái, trai, ai ai cũng rộn ràng khăn áo mới, nô nức cùng nhau xuống chợ để được gặp gỡ hẹn hò, để vui chơi, hát hội giao duyên, để đắm mình trong mạch nguồn dân ca được truyền giữ từ bao đời, trong câu hát sli, hát lượn, câu sloong hao.. vấn vương thương nhớ bao người.

Từ một huyện miền núi nghèo, trong những năm qua, huyện Lục Ngạn đã kiến thiết một miền quả ngọt trù phú suốt 4 mùa. Về dự Ngày hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn năm nay, du khách rất ấn tượng bởi hương thơm ngọt ngào của bạt ngàn hoa vải, hoa bưởi, hoa cam đang mùa nở rộ.

Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Lục Ngạn luôn dành sự quan tâm rất lớn và xuyên suốt đối với công tác bảo tồn, phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới tiến bộ cho nhân dân.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nhận định, trong gần 30 năm qua, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn đã ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, phạm vi quy mô và sức sống của Ngày hội đã lan tỏa ra khắp các tỉnh lận cận, trở thành ngày hội văn hóa đại đoàn kết dân tộc của cả vùng rộng lớn khu vực trung du, miền núi Đông Bắc.

Là một trong 4 lễ hội lớn ở Bắc Giang, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Lục Ngạn có gì hấp dẫn? - Ảnh 5.

Ông Mai Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận Chợ tình, Phiên chợ Xuân vùng cao và Hội hát của các dân tộc huyện Lục Ngạn trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Khương Lực

Theo ông Sơn, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng: "Văn hóa là sức mạnh nội sinh,  nền tảng tinh thần của xã hộilà mục tiêu và động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước", những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá; xác định văn hóa là một trong 3 trụ cột của chiến lược phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2045, Bắc Giang trở thành tỉnh giàu mạnh về kinh tế, tiên tiến về văn hóa và bền vững về môi trường sinh thái.  

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lục Ngạn, tạo cơ sở để tiến tới nâng cấp quy mô Ngày hội trở thành Lễ hội của khu vực; xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận Chợ tình, Phiên chợ Xuân vùng cao và Hội hát của các dân tộc huyện Lục Ngạn trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lục Ngạn được phục dựng dựa trên nguyên gốc của phiên chợ Chũ xưa, diễn ra vào ngày 18/2 âm lịch hàng năm. Đây không chỉ là phiên chợ đơn thuần, mà là một ngày hội rất lớn trong chuỗi ngày du xuân hát hội của đồng bào Tày, Nùng và các dân tộc trong vùng, kéo dài suốt từ sau Tết Nguyên đán, khởi đầu từ phiên chợ tình vùng cao Thác Lười - Tân Sơn (ngày 11, 12 tháng Giêng), đến phiên chợ Phong Vân và các vùng lân cận; cuối cùng, được khép lại với phiên chợ Chũ ngày 18/2 lịch âm; để sau đó, nhân dân chính thức bước vào vụ mùa sản xuất mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem