Nghề lạ ở Hà Nội: Người phụ nữ quanh năm ngồi bên bếp lò “vá áo” cho xe máy, thu cả chỉ vàng mỗi tháng

Lan Anh Thứ sáu, ngày 15/04/2022 04:26 AM (GMT+7)
Suốt 32 năm qua, bà Liên vẫn ngồi bên bếp lò tại ngã tư phố Nguyễn Công Trứ - Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) cần mẫn hàn, sửa chữa những chiếc xe máy. Trong từng ấy thời gian gắn bó với nghề, đến nay chưa lần nào bà Liên có ý định bỏ nghề.
Bình luận 0

Đôi bàn tay chai sạn

Những chiếc xe máy bị hỏng yếm, chốt nhựa thông thường sẽ được người dân đem đi thay đồ mới. Nhưng cũng có những người cố gắng tận dụng mang yếm đi sửa chữa, một phần vì kinh tế eo hẹp, một phần vì mong muốn giữ lại những chiếc xe nhiều kỷ niệm đó.

Cũng chính vì vậy, tại một góc vỉa hè ngã tư phố Nguyễn Công Trứ - Ngô Thì Nhậm (TP.Hà Nội) có một người phụ nữ dành nhiều năm gắn bó với nghề "vá áo" cho những chiếc xe máy. Đó là bà Vũ Thị Liên (66 tuổi) ở quận Hoàn Kiếm.

Nghề lạ ở Hà Nội: Người phụ chỉ làm nghề “vá áo” cho xe máy mà thu cả chỉ vàng mỗi tháng - Ảnh 1.

Công việc hàn yếm xe máy đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Ảnh: Lan Anh

Chúng tôi tìm đến gặp bà Liên vào một buổi chiều đầu tháng 4, khi bà Liên đang bận rộn với công việc hàn yếm nhựa cho khách. Suốt 32 năm qua, bà Liên vẫn cần mẫn bên cái bếp lò cũ từ thời bao cấp để hàn, sửa những chiếc yếm xe máy. 

Những vết sẹo xuất hiện trên mu bàn tay, tràn lên cả phần cánh tay của bà. Dù đôi bàn tay thô ráp nhưng đối với bà Liên những vết sẹo không hề hấn gì.

Bà Liên kể rằng, nghề hàn nhựa bắt đầu có tiếng tăm từ đầu thập niên 80. Lúc đó Hà Nội bắt đầu xuất hiện những chiếc xe Honda cup. Hầu hết xe nhập về đều là xe đã qua sử dụng.

Cũng vì vậy, khi người dân có nhu cầu sửa chữa những chiếc xe này, bà đã nảy sinh ra ý tưởng hành nghề hàn yếm xe máy. Bởi bà Liên nghĩ rằng dụng cụ của nghề này đơn giản, dễ làm.

Nghề lạ ở Hà Nội: Người phụ chỉ làm nghề “vá áo” cho xe máy mà thu cả chỉ vàng mỗi tháng - Ảnh 3.

Bộ đồ nghề bà Liên thường sử dụng để hàn yếm cho khách. Ảnh: Lan Anh

"Khách hàng tới đây hầu hết là những khách hàng quen hoặc được khách quen giới thiệu. Mỗi lần hoàn thiện việc hàn lại yếm xe, thấy nó lại như mới, thấy chủ xe vui mừng, tôi cũng thấy vui và yêu nghề hơn", bà Liên chia sẻ.

Trong từng ấy thời gian gắn bó với nghề, chưa lần nào bà Liên có ý định bỏ nghề này. Cảm giác gắn bó với nghề đã lâu, công việc dần trở thành quen thuộc nó giống như hơi thở của bà Liên.

"Làm nghề này tôi cũng gặp được nhiều người tốt. Cũng có những lúc đông khách, mọi người phải chờ đợi.  Lúc này có những tình nguyện viên còn giúp tôi gắn các linh kiện lên xe, tôi chỉ việc hàn nó lại cho nhanh. Mỗi lần như vậy tôi cảm thấy hạnh phúc", bà Liên nói.

Nhiều kỷ niệm với nghề hàn yếm

Bà Liên cho hay, công việc rất vất vả, nhưng vì niềm đam mê, tình yêu dành cho nghề nên bà không quản ngại khó khăn, nguy hiểm của nghề này. Mỗi ngày, nghề này cho bà Liên thu nhập từ 200-300.000 đồng.

Nghề lạ ở Hà Nội: Người phụ chỉ làm nghề “vá áo” cho xe máy mà thu cả chỉ vàng mỗi tháng - Ảnh 4.

Những chiếc yếm xe máy được tháo ra hàn lại chốt, vết nứt gãy. Ảnh: Lan Anh

Đã không ít lần bà Liên bị bỏng trong khi làm việc. "Nghề này có một thứ còn nguy hiểm hơn cả vết bỏng, vết sẹo… đó là nguy cơ nhiễm bệnh ung thư bởi khói nhựa bốc lên. Nhựa trên xe máy khi hàn trông đơn giản nhưng cũng có đến 5-7 loại nhựa khác nhau. Tuy nhiên, mùi nhựa khi cháy cũng rất độc, gây hại cho sức khỏe. Cũng vì vậy, người thân trong gia đình tôi cũng từng khuyên nên bỏ nghề", bà Liên bộc bạch.

Bà Liên tâm sự rằng, 32 năm làm nghề hàn yếm, bà Liên đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động.

Nghề lạ ở Hà Nội: Người phụ chỉ làm nghề “vá áo” cho xe máy mà thu cả chỉ vàng mỗi tháng - Ảnh 5.

Bà Vũ Thị Liên (66 tuổi) ở quận Hoàn Kiếm gắn bó với nghề hàn nhựa hơn 30 năm nay. Ảnh: Lan Anh

"Cách đây khoảng đôi năm tôi chứng kiến một câu chuyện cảm động. Khi tôi đang làm việc thì có một cậu thanh niên đến chỗ tôi nói rằng, cô cũng bằng tuổi mẹ con. Trong khi đó mẹ con đỡ vất vả hơn, không phải lao động chân tay. 

Còn cô thì phải vất vả bươn trải ngoài này. Chính vì vậy, dù cô bận, đông khách con vẫn muốn chờ để ủng hộ cô. Hôm đó, cậu thanh niên đó phải chờ tôi 1,5 tiếng. Mỗi lần gặp trường hợp như vậy tôi thấy hạnh phúc, cảm động", bà Liên bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem