Nghệ nhân làng Quất Động chia sẻ bí quyết thêu tay, tạo ra bức tranh hoàn mỹ

Duy Huy Thứ hai, ngày 23/01/2023 07:52 AM (GMT+7)
Làng Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu được coi là cái nôi của nghệ thuật thêu truyền thống. Tuy nhiên, việc giữ gìn nghề truyền thống của làng là vô cùng khó khăn khi nghệ nhân thêu tay khó làm giàu từ đường kim, mũi chỉ.
Bình luận 0

Clip nghệ nhân ở làng thêu Quất Động chia sẻ về bí quyết giữ gìn nghề truyền thống. Thực hiện: Duy Huy.

Cái tâm của người nghệ nhân

Làng nghề thêu tay Quất Động là một trong những làng nghề có bề dày lịch sử và truyền thống lâu đời. Làng xưa kia vốn nổi tiếng với nghề thêu cân đai, áo mão, tán, lọng, hia, hài, câu đối, trướng. Ngày nay, Quất Động còn được biết đến là nơi tạo ra những sản phẩm thêu tay cầu kỳ và tinh tế.

Ở Quất Động, các công đoạn thêu sẽ bắt đầu từ vẽ mẫu, căng nền, chấm kiểu, chọn chỉ màu rồi mới tiến hành thêu. Bằng đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động.

Nghệ nhân làng Quất Động chia sẻ bí quyết thêu tay, tạo ra bức tranh hoàn mỹ - Ảnh 2.

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương luôn tay bên bức tranh thêu truyền thống.

Luôn tay đưa kim, nghệ nhân Hoàng Thị Khương chia sẻ bí quyết thêu một bức tranh truyền thống ở Quất Động: "Để tạo được một bức tranh thêu tay hoàn mỹ, người nghệ nhân phải dùng đúng loại chỉ truyền thống được nhuộm từ màu của cỏ cây thiên nhiên.

Đặc biệt là chỉ tơ tằm với độ óng mịn đặc trưng để tạo cho các bức tranh, nhất là tranh phong cảnh những màu sắc tự nhiên nhất. Người thêu tranh vừa phải có lòng đam mê vừa có năng khiếu về hội họa. Có như vậy, đường nét uyển chuyển và cái hồn của bức tranh mới được chuyển tải ở nhiều sắc độ".

Để có những bức tranh phong cảnh, người thợ thêu có khi phải mất hàng tháng, lựa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện không gian bức tranh.

Nghệ nhân làng Quất Động chia sẻ bí quyết thêu tay, tạo ra bức tranh hoàn mỹ - Ảnh 3.

Tại làng Quất Động, nhiều cụ bà trên đầu đã 2 thứ tóc nhưng vẫn miệt mài với nghề truyền thống của quê hương.

"Nghề thêu nhẹ nhàng song rất cần kỹ thuật và sự khéo léo, tỉ mỉ, cần cù, sáng tạo của người thợ. Giá trị của tác phẩm thêu tay chính là chứa đựng tình cảm, tâm hồn, sự cảm thụ vẻ đẹp của người thợ. Theo kích cỡ và chi tiết của sản phẩm, người thợ có thể hoàn thiện trong vài ngày, vài tháng, thậm chí là vài năm…", nghệ nhân Hoàng Thị Khương chia sẻ.

Bà Bùi Thị Khá có hơn 65 năm làm nghề thêu tay ở làng cho biết: "Ở Quất Động đầu những năm 90 có nhiều xưởng thợ. Xưởng to quy tụ chừng 200 tới 500 tay kim. Theo quy luật của cuộc sống, khi bước sang nền kinh tế thị trường, có những thời điểm, làng nghề tưởng chừng bị mai một, nhưng dân làng Quất Động bằng tình yêu với nghề truyền thống, vẫn kiên trì gìn giữ và bám trụ".

Công nhiều, lãi ít

Làm nghề từ năm lên 8 tuổi, đến nay đã gần 60, năm 2015, bà Hoàng Thị Khương được UBND TP.Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân thêu tranh. Cũng từ đó mà các sản phẩm thêu của bà Khương được nhiều người biết đến và đặt mua.

Nghệ nhân làng Quất Động chia sẻ bí quyết thêu tay, tạo ra bức tranh hoàn mỹ - Ảnh 4.

Ít ai biết rằng nghệ nhân thêu Hoàng Thị Khương là một người khuyết tật ở đôi chân. Tuy nhiên, nhờ niềm đam mê với nghề thêu truyền thống của quê hương, bà Khương luôn cần mẫn, đào tạo nghề thêu cho hàng trăm trẻ em và những người khuyết tật, giúp họ đến với nghề.

Tuy nhiên, theo nghệ nhân Hoàng Thị Khương, dù sản phẩm thêu truyền thống được thêu tỉ mỉ, mất nhiều công sức nhưng lại chưa thể cạnh tranh với các xưởng máy thêu vì nhân công ít, giá rẻ.

"Trừ những bức tranh thêu nghệ thuật mà máy không thêu được "hồn cốt" của tranh nên cần những nghệ nhân như chúng tôi, còn các sản phẩm thêu đơn giản đa phần được khách đặt ở các xưởng thêu máy", bà Khương chia sẻ.

Nghệ nhân thêu tay Hoàng Thị Khương chia sẻ, người Quất Động rất yêu nghề thêu, những lúc nghỉ ngơi hay nông nhàn đều ngồi thêu. Từng có thời điểm nghề thịnh đến mức gần như nhà nào cũng có khung thêu, nhiều gia đình có tới dăm, bảy đời làm nghề này.

Nghệ nhân làng Quất Động chia sẻ bí quyết thêu tay, tạo ra bức tranh hoàn mỹ - Ảnh 5.

Công việc của nghề thêu không đòi hỏi nhiều về sức lực nhưng cần có nhiều kỹ thuật, đặc biệt là đôi bàn tay khéo léo với sự trau chuốt trong từng mũi kim.

Không thể thêu những bức tranh thêu phong cảnh như: Cây đa, bến nước, con thuyền, hay những bức tranh mang đậm tích xưa như: Đám cưới chuột, Vinh quy,... bà Nguyễn Thị Thuận thường thêu những sản phẩm có họa tiết đơn giản hơn như hoa, cây cối.

"Những sản phẩm thêu nhỏ này có giá thấp lắm. Tôi thêu bức này mất 2-3 ngày mà chỉ được có 100 nghìn đồng. Trung bình chỉ được 50 nghìn 1 ngày thôi, không chết đói nhưng không giàu được", bà Thuận bày tỏ.

Nghệ nhân làng Quất Động chia sẻ bí quyết thêu tay, tạo ra bức tranh hoàn mỹ - Ảnh 6.

Những lúc nông nhàn, những người phụ nữ Quất Động ở mọi lứa tuổi lại miệt mài bên khung thêu.

Cuộc sống ngày càng phát triển, giống như nhiều nghề khác, nghề thêu cũng được hiện đại hóa bởi những máy thêu công nghiệp. Thế nhưng, người làm nghề thêu tay Quất Động vẫn duy trì cách làm truyền thống của cha ông.

Những sản phẩm tranh thêu tay Quất Động vẫn có tiếng nói riêng trên thị trường. Nó không thể bị lẫn vào các sản phẩm thêu công nghiệp hàng loạt bởi sự độc đáo, bởi tình cảm, tâm huyết mà mỗi nghệ nhân đã gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ, bởi mỗi sản phẩm đều chứa đựng tình yêu, niềm trân trọng, tự hào về nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem