Nghệ nhân nghề làm chuồn chuồn tre tiết lộ bí quyết tạo ra các sản phẩm "hút" du khách

Kim Duyên Thứ năm, ngày 27/10/2022 10:38 AM (GMT+7)
Nghệ nhân ở xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã làm ra những con chuồn chuồn tre đủ màu sắc, kích thước, trở thành món đồ chơi dân dã được nhiều người thích thú không kém gì những món đồ chơi hiện đại hấp dẫn...
Bình luận 0

Video chuồn chuồn tre Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Thực hiện: Kim Duyên.

Sự bình yên của Thạch Xá giống như những cánh chuồn chuồn xuất hiện trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Chỉ là sản phẩm thủ công, không phải sản phẩm của nghề truyền thống nhưng những con chuồn tre vẫn luôn được đón nhận, yêu mến.

Chúng tôi đã tìm đến cơ sở sản xuất chuồn chuồn tre Liên Xoan của gia đình ông Đỗ Văn Liên và bà Nguyễn Thị Xoan (thôn 8, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội), tận mắt chứng kiến những sản phẩm độc đáo. Ông bà là một trong số ít người làng Thạch Xá còn "giữ lửa" đam mê với nghề làm chuồn chuồn tre. Người phụ nữ với dáng hình nhỏ nhắn cùng chiếc kính cận đang tập trung, tỉ mỉ vẽ từng chi tiết trên cánh chuồn chuồn để hoàn thành những công đoạn cuối cùng.

Không cần động cơ, tự thăng bằng

Những họa tiết trên chú chuồn chuồn tre được chính người thợ tự tay vẽ lên, lấy cảm hứng từ cuộc sống thôn quê của họ, tái hiện phong cảnh làng quê bình yên, tươi đẹp của Việt Nam. Để cho ra đời một chú chuồn chuồn tre phải trải qua nhiều công đoạn.

Ông tổ của nghề làm chuồn chuồn tre tiết lộ bí quyết tạo ra các sản phẩm "hút" du khách - Ảnh 2.

Để làm ra một chú chuồn chuồn tre hoàn chỉnh, từ công đoạn lựa chọn tre làm nguyên liệu cũng cần tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Ảnh: Kim Duyên.

Khi được tận mắt chứng kiến người thợ tỉ mẩn từng công đoạn để hoàn thiện sản phẩm, chúng tôi mới thấy được sự phức tạp của quá trình làm chuồn chuồn tre. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, ông Liên tỉ mỉ kể, hướng dẫn phóng viên những công đoạn tạo nên một sản phẩm chuồn chuồn tre hoàn chỉnh đến tay người mua. 

Ông Liên chia sẻ: "Để có được 1 sản phẩm hoàn hảo, phải qua khoảng 20 công đoạn từ đốn tre, rồi đến chẻ thanh, vót nhẵn, khoan lỗ, tra cánh, sơn, vẽ họa tiết, phơi khô… Nhìn thì đơn gian, nhưng nếu chỉ làm 1 con, phải mất cả ngày mới xong".

Chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đặc biệt ở chỗ, dù không được gắn bất kỳ một thiết bị hay động cơ nào, nhưng chúng lại có khả năng đứng thăng bằng ở mọi nơi. Để thăng bằng, các bộ phận cấu thành như: thân, cánh, mình... phải được làm một cách tỉ mỉ, theo tỉ lệ riêng.

Ngắm đi, ngắm lại, chỉnh cân đôi cánh xong cho 1 con chim bằng tre, ông Liên nói thêm: "Làm con nào cũng thế chuồn chuồn chim hay bướm, khó nhất là khâu chắp cánh chuồn chuồn vào thân làm sao để tạo lực đối xứng cân bằng, giúp chúng có thể đứng thăng bằng trên mọi vật liệu. Không phải cứ nắp vào là con nào cũng thăng bằng".

Ông tổ của nghề làm chuồn chuồn tre tiết lộ bí quyết tạo ra các sản phẩm "hút" du khách - Ảnh 4.

20 năm gắn bó với nghề, bà Nguyễn Thị Xoan tỉ mỉ vẽ từng chi tiết, hoàn thành những công đoạn cuối cùng. Ảnh: Kim Duyên.

Để tô điểm cho chuồn chuồn tre những màu sắc rực rỡ, họa tiết nổi bật, người thợ sẽ sơn bằng sơn dầu. Bà Xoan khẳng định, chỉ sơn dầu mới đảm bảo được độ bóng khi lên màu và chống nước tốt. Trời mát và hanh thì làm xong chỉ cần phơi một đêm, nhưng khi trời nồm sẽ cần tới 2 ngày để sơn khô. Muốn màu sắc chuồn chuồn đẹp, bền việc tô màu cũng phải có kỹ thuật khéo léo, đều tay...

Vẽ xong, bà Xoan cẩn thận xếp thành từng nào, bà nói: "Kiên trì, tỉ mỉ là điều kiện đầu tiên để người thợ có thể tạo ra được một con chuồn chuồn tre đúng nghĩa và đạt chất lượng". Không chỉ làm chuồn chuồn mà người dân làng Thạch Xá còn làm có cả con chim, bướm hoặc con công với những màu sắc, họa tiết đa dạng.

Vẫn gắn bó dù không phải nghề truyền thống

Nghề làm chuồn chuồn tre chỉ xuất hiện ở Thạch Xá vài chục năm trước. Là người đưa nghề chuồn chuồn tre về với Thạch Xá, bà Xoan khẳng định: "Nghề truyền thống là nghề có tính cha truyền, con nối. Còn nghề làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá chỉ là nghề thủ công. Tôi mày mò tự học khi còn bán hàng ở chùa Tây Phương".

Ông tổ của nghề làm chuồn chuồn tre tiết lộ bí quyết tạo ra các sản phẩm "hút" du khách - Ảnh 5.

Cân bằng cho chuồn chuồn có thể đứng được là công đoạn cuối cùng trong khâu tạo hình, trước khi chuồn chuồn được chuyển đến khu sơn vẽ. Ảnh: Kim Duyên.

Dù không phải nghề truyền thống nhưng có những thời điểm cả làng Thạch Xá gần như hộ nào cũng làm chuồn chuồn tre để kiếm thêm thu nhập, vì sản phẩm độc đáo, đa sắc màu. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa cùng những khó khăn do dịch Covid-19, người dân dần bỏ nghề thủ công này chuyển sang các nghề kinh doanh khác mang lại lợi nhuận tốt hơn.

Hiện tại, cả làng chỉ còn khoảng 4-5 hộ còn gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre. Mỗi chú chuồn chuồn bình thường được bán ra với giá 5.000 - 10.000 đồng, người nghệ nhân cũng chỉ lãi vài nghìn bạc ít ỏi trong khi việc làm thủ công lại tốn nhiều công sức.

Ông tổ của nghề làm chuồn chuồn tre tiết lộ bí quyết tạo ra các sản phẩm "hút" du khách - Ảnh 6.

Hiện nay, tại xưởng chuồn chuồn tre Liên Xoan còn tạo ra nhiều sản phẩm từ những cây tre như con chim, con bướm… thêm đa dạng trong các sản phẩm. Ảnh: Kim Duyên.

Vừa kinh doanh cửa hàng tạp hóa, chị Chu Thị Hoa (thôn 8, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) tranh thủ vót thân chuồn chuồn thuê cho xưởng chuồn chuồn tre Liên Xoan. Chị Hoa bộc bạch: "Bán hàng nhiều thời rảnh, nên mình tranh thủ thời gian làm thêm, thu nhập chẳng là bao".

Thế nhưng với bà Xoan, người có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề tâm sự: "Tôi cứ giữ nghề vì nhờ nó mà gia đình tôi có được cuộc sống như bây giờ, mới nuôi được các con ăn học đàng hoàng. Trong dịch Covid-19 không có nơi nào đặt đơn hàng, nhưng gia đình tôi vẫn làm vì nhớ nghề. Sau khi dịch bệnh được khống chế, du lịch mở cửa trở lại thì số hàng tồn kho đã được bán hết. Thậm chí giờ làm hàng không kịp đơn đặt".

Ông tổ của nghề làm chuồn chuồn tre tiết lộ bí quyết tạo ra các sản phẩm "hút" du khách - Ảnh 7.

Những con chuồn chuồn tre ở Thạch Xá bay đi khắp muôn nơi, đến cả các nước lớn, góp phần quảng bá vẻ đẹp văn hóa Việt Nam. Ảnh: Kim Duyên.

Đặc biệt do tự cân bằng, cùng mẫu mã đa dạng những năm gần đây, chuồn chuồn tre ở Thạch Xá được nhiều người biết và đón nhận. Đó là tín hiệu tốt, mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm thủ công độc đáo của Thạch Xá trong bối cảnh nghề thủ công này đang dần mai một.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem