Nghịch lý: Xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc rồi lại nhập về chế biến thức ăn chăn nuôi

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 16/07/2021 10:28 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã từ đầu năm đến nay là do chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Bình luận 0

Việt Nam chi 6 tỷ USD nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), một trong những nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu dừng lại là do ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Thống kê cho thấy, số lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu lớn và ngày càng gia tăng.

Nếu như năm 2010 Việt Nam mới nhập khẩu 7,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 2,7 tỷ USD thì đến năm 2020 con số này đã là 20,2 triệu tấn, tương đương 6 tỷ USD.

"Mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 9,5 triệu tấn ngô, 4 triệu tấn khô dầu đậu tương, gần 2 triệu tấn lúa mì và cám các loại, 1 triệu tấn DDGS (bã rượu khô) và gần 1 triệu tấn thức ăn nguồn gốc động vật" - báo cáo của Cục Chăn nuôi cho biết.

Nghịch lý: Xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc rồi lại nhập về chế biến thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.

Việt Nam là nhà cung cấp bột cá lớn thứ hai cho Trung Quốc nhưng cũng nhập khẩu lượng lớn về chế biến thức ăn chăn nuôi. (Ảnh minh họa).

Cũng theo Cục Chăn nuôi, những loại nguyên liệu nguồn gốc động vật, thực vật mà Việt Nam nhập khẩu đều là những loại chúng ta không có thế mạnh vì không thể cạnh tranh được với Mỹ, Brazil, Argentina về diện tích, năng suất.

Tuy nhiên, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng chỉ rõ nhiều nghịch lý của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi khi phụ thuộc vào nước ngoài về mặt nguyên liệu, một số loại nguyên liệu như bột máu, bột thịt xương, chế phẩm vi sinh trong nước đã sản xuất được nhưng sản lượng và chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

"Vậy mới có chuyện chúng ta xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc rồi lại nhập khẩu bột cá về chế biến thức ăn chăn nuôi" - ông Dương Tất Thắng nói.

Có thể thấy, Việt Nam đang là nhà cung cấp bột cá lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 597.000 tấn bột cá, trị giá 855 triệu USD, tăng 58% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, khoảng 373.000 tấn là từ Peru, trị giá 542 triệu USD, chiếm 63% lượng bột cá nhập khẩu của Trung Quốc. Nhà cung cấp lớn thứ hai là Việt Nam, cung cấp 35.900 tấn.

Trong khi đó, lượng bột cá Việt Nam nhập khẩu về để chế biến thức ăn chăn nuôi cũng đang tăng mạnh. Theo thống kê, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020, lượng nhập khẩu bột cá của Việt Nam đã đạt 33.600 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng 84,8% về lượng và tăng 73,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Giảm giá thức ăn chăn nuôi, cách nào?

Theo Cục Chăn nuôi, do giá thức ăn chăn nuôi trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giá nguyên liệu nhập khẩu, do đó việc giảm các chi phí liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu là cần thiết.

Các chi phí này bao gồm chi phí vận chuyển quốc tế, phí kho bãi tại cảng nhập, phí vận chuyển trong quá trình phân phối lưu thông trong nước (phí logistics).

Nghịch lý: Xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc rồi lại nhập về chế biến thức ăn chăn nuôi - Ảnh 2.

Giá thức ăn chăn nuôi trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giá nguyên liệu nhập khẩu, trong đó có ngô. Trong ảnh: Mô hình sản xuất ngô của nông dân Vĩnh Phúc. (Ảnh: Sở KHCN Vĩnh Phúc).

"Trung bình trên thế giới chi phí logistics chiếm khoảng 5% giá thành thức ăn chăn nuôi trong khi tại Việt Nam chi phí này là trên 10%. Điều này là do hệ thống hạ tầng kho bãi tại cảng chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống vận chuyển trong nước chủ yếu bằng đường bộ, đường sắt nên công suất thấp, giá thành cao, trong khi vận chuyển bằng đường biển tiết kiệm được chi phí và thời gian thì chưa được quan tâm phát triển" - báo cáo của Cục Chăn nuôi cho biết.

Điều đáng lo ngại là, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, đã có hiện tượng, để cạnh tranh thì các doanh nghiệp sản xuất thức ăn phải giảm giá bán, dẫn đến chất lượng giảm. 

"Nhiều doanh nghiệp của chúng tôi đã phản ánh chi phí tăng trọng 1kg sản xuất của gà tăng 20% về số lượng thức ăn. Điều đó chứng tỏ chất lượng thức ăn chăn nuôi có vấn đề" - ông Sơn nêu một thực tế được doanh nghiệp phản ánh.

Theo ông Sơn, ở đây đang thiếu hẳn một chiến lược phát triển bền vững nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. 

"Mặc dù chiếm vị trí nhất nhì Đông Nam Á nhưng thực chất ngành chăn nuôi vẫn là ngành gia công, ăn đong nguyên liệu của thế giới. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên có chiến lược phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc nhập khẩu như hiện nay" - ông Sơn kiến nghị.

Được biết, Bộ NNPTNT đang xây dựng Dự thảo Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu công suất chế biến thức ăn công nghiệp đạt từ 40 - 45 triệu tấn; sản xuất trong nước đáp ứng được 30 - 35% số lượng nguyên liệu thức ăn bổ sung; giảm 5 - 10% tỷ trọng nguyên liệu thức ăn nhập khẩu trong tổng số nhu cầu thức ăn tinh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem