Ngoại giao đi đầu trong kiến tạo hoà bình, bảo vệ Tổ Quốc, thu hút nguồn lực phát triển quốc gia

V.N Thứ bảy, ngày 28/08/2021 14:43 PM (GMT+7)
Suốt 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Bình luận 0

Cách đây 76 năm, ngày 28/8/1945, Bộ Ngoại giao được thành lập cùng với sự ra đời của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Nhân dịp này Bộ trưởng Ngoại giao, Uỷ viên Trung ương Đảng Bùi Thanh Sơn có bài viết điểm lại những thành tựu của nền ngoại giao Việt Nam. Dưới đây Dân Việt xin trân trọng trích đăng bài viết.

Ngoại giao trong công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, ngoại giao cùng các binh chủng đối ngoại đã "đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước"[1] và nâng cao vị thế quốc gia.

Thông qua mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, ngoại giao cùng quốc phòng và an ninh góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời mở ra nhiều thị trường, tranh thủ nhiều nguồn vốn, công nghệ và tri thức bên ngoài phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, nước ta có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia, trong đó 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới.

Ngoại giao đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ Quốc, thu hút nguồn lực phát triển quốc gia - Ảnh 1.

Các nhà ngoại giao Việt Nam tại LHQ vui mừng khi Việt Nam đắc cử Uỷ viên Không thường trực HĐBA LHQ tháng 6/2019. Ảnh: BNG.

Thực hiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều cơ chế đa phương, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế giới về Đông Á (2010) và về ASEAN (2018), Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên (2019), v.v…

Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước vươn lên trong Đổi mới. Bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hiệu quả, góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc, tạo thuận lợi cho đồng bào ta ở nước ngoài tham gia phát triển quê hương, đất nước.

Ngoại giao đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ Quốc, thu hút nguồn lực phát triển quốc gia - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2020 viết trên Twitter lời cảm ơn Việt Nam gửi bộ đồ bảo hộ cho người dân Mỹ trong đại dịch Covid-19. Ảnh chụp màn hình.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, ngành ngoại giao đã tiên phong cùng các bộ, ngành đẩy mạnh "ngoại giao y tế", "ngoại giao vaccine", tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, chung tay cùng cả nước phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế- xã hội.

Những thành tựu đối ngoại nói trên đã đóng góp quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm Đổi mới, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, sự phối hợp chặt chẽ giữa các binh chủng đối ngoại, trong đó có nỗ lực và đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao. Chính trong Đổi mới, ngành ngoại giao ngày càng trưởng thành và phát triển hướng tới toàn diện, hiện đại.

Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới

Để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước theo đường lối Đại hội Đảng XIII, nhiệm vụ của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Ngoại giao đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ Quốc, thu hút nguồn lực phát triển quốc gia - Ảnh 3.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam ngày 24 - 26/8 giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: ĐSQ Mỹ.

Để thực hiện những nhiệm vụ nói trên, Đại hội XIII đặt ra yêu cầu "xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân". Tính toàn diện trước hết thể hiện ở chủ thể đối ngoại gồm cả hệ thống chính trị, địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân; trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học- công nghệ, giáo dục- đào tạo, y tế, môi trường, văn hóa- xã hội…; đối ngoại trong thế giới thực và không gian mạng; với tất cả đối tác, trọng tâm là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác,chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương quan trọng, đặc biệt là ASEAN, Liên Hợp Quốc.

Tính hiện đại thể hiện ở sự kết hợp hài hòa, vận dụng sáng tạo truyền thống và bản sắc ngoại giao độc đáo của dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và tinh hoa ngoại giao của thời đại; ở vận hành nền ngoại giao trong khuôn khổ thể chế ngày càng hoàn thiện, gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; ở tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả với phương thức hoạt động khoa học, chuẩn hóa và số hóa, có năng lực đổi mới, thích ứng với chuyển biến mau lẹ của tình hình; ở lực lượng cán bộ ngoại giao toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất và trí tuệ, hiện đại về tư duy, phong cách và phương pháp làm việc, đạt tới tầm khu vực và quốc tế.

Nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các binh chủng đối ngoại và trụ cột của ngoại giao nỗ lực đóng góp vào thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước, trong đó ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nòng cốt, "lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm". Với tư duy "phục vụ", ngoại giao cùng các cấp, các ngành góp phần mở rộng không gian phát triển, tạo thuận lợi cho người dân, địa phương và doanh nghiệp tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và tri thức.

Ôn lại chặng đường 76 năm trưởng thành và phát triển của ngoại giao cách mạng Việt Nam, các thế hệ cán bộ ngành ngoại giao bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập và để lại cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam một di sản tư tưởng ngoại giao đặc sắc và vô giá. Phát huy tư tưởng ngoại giao của Người và truyền thống vẻ vang 76 năm xây dựng và trưởng thành, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước nỗ lực cùng cả nước sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước vì một Việt Nam độc lập, hòa bình, hùng cường và thịnh vượng.


[1] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, năm 2013.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem