Ngoại trưởng Mỹ nặng lời về chính sách 'ngoại giao vắc xin' của Trung Quốc

17/03/2021 18:09 GMT+7
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây đã lên án chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc khi cho rằng việc các quốc gia chơi trò chơi chính trị với vấn đề sức khỏe của người dân là điều “vô cùng đáng tiếc”.

Chia sẻ với tờ Nikkei Asian Review và nhiều cơ quan truyền thông Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã chỉ trích đích danh Trung Quốc và chính sách ngoại giao vắc xin của nước này: “Nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc đã tham gia vào cái gọi là ngoại giao vắc xin… Chúng ta không nên gắn việc phân phối hoặc tiếp cận vắc xin với yếu tố chính trị hoặc địa chính trị”.

Ông Blinken chỉ ra rằng chính sách ngoại giao vắc xin thường đi kém với các ràng buộc, yêu cầu nhất định để các quốc gia tham gia vào chính sách này có thể nhận được vắc xin.

Ngoại trưởng Mỹ nặng lời về chính sách 'ngoại giao vắc xin' của Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ nặng lời về chính sách 'ngoại giao vắc xin' của Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 2 tuyên bố nước này sẽ cung cấp hoặc lên kế hoạch hỗ trợ vắc xin cho 53 quốc gia/ vùng lãnh thổ và xuất khẩu vắc xin sang 27 quốc gia khác.

Như một biện pháp để chống lại chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc, các quốc gia "Bộ tứ" Quad - Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc - đã đồng ý cung cấp một tỷ liều vắc xin sản xuất tại Ấn Độ cho các quốc gia Đông Nam Á. Mỹ và Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính trong khi Úc hỗ trợ hậu cần vận chuyển vắc xin.

Ba công ty sản xuất dược phẩm hàng đầu Trung Quốc là Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), Sinovac Biotech và CanSino Biologics đã ký kết hàng loạt giao dịch cung cấp vắc xin Covid-19 cho nhiều quốc gia Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á, theo dữ liệu được tổng hợp bởi công ty phân tích Airfinity của Anh và Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke ở Mỹ.

Các thỏa thuận đi kèm với lời cam kết của Bắc Kinh rằng vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất sẽ có độ tiếp cận rộng khắp các nước đang phát triển. Các chuyên gia cho rằng về mặt tích cực, động thái này nghĩa là Trung Quốc có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sự hạn chế nguồn cung vắc xin Covid-19 trên toàn cầu.

Một đặc tính ưu việt của các dòng vắc xin Covid-19 Trung Quốc do Sinopharm và Sinovac phát triển là dễ bảo quản, dễ sử dụng. Các loại vắc xin này được phát triển bằng công nghệ virus bất hoạt và chỉ cần bảo quản ở mức nhiệt 2-8 độ C, đơn giản hơn nhiều so với hai dòng vắc xin công nghệ mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna (Mỹ). Trong khi vắc xin Covid-19 của Pfizer phải được giữ ở -70 độ C, vắc xin của Moderna cũng phải bảo quản ở mức nhiệt -20 độ C. Nhiều quốc gia đang phát triển đã lựa chọn sử dụng vắc xin của Trung Quốc do cơ sở hậu cần không đáp ứng được việc vận chuyển và bảo quản vắc xin của Mỹ.

Jacob Mardell, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Merics) của Đức từng cảnh báo: “Tôi cho rằng việc phân phối vắc xin sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng toàn cầu hiện nay. Thực tế là các công ty Trung Quốc đã đi trước trong việc bắt rễ tại nhiều quốc gia không thuộc OECD. Nghĩa là (thông qua chiến lược ngoại giao vắc xin Covid-19), Bắc Kinh có đủ khả năng để củng cố hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo các quốc gia đang phát triển”.


NTTD
Cùng chuyên mục