Ngóng chờ diện mạo mới sân bay Tân Sơn Nhất, metro số 1

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 29/05/2021 12:18 PM (GMT+7)
Sau loạt bài "TP.HCM xin nâng điều tiết ngân sách lên 23%", Dân Việt nhận nhiều phản hồi việc người dân TP.HCM trong cảnh chờ đợi từ nhiều năm qua 2 dự án dự án kỳ vọng làm thay đổi diện mạo TP.HCM. Đó là các dự án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Bình luận 0

Sân bay Tân Sơn Nhất kẹt trong kẹt ngoài, kẹt trên kẹt dưới là vấn đề đau đầu nhiều năm qua, trong khi đây được xem là điểm chạm đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài khi đến TP.HCM. Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng liên tục trễ hẹn.

Chờ Tân Sơn Nhất không kẹt ngoài, kẹt trong

Dự án nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2 với các hạng mục xây dựng, cải tạo đường lăn, hệ thống thoát nước… đang được triển khai. Các giải pháp này phần nào giải quyết được tình trạng quá tải khách chờ bên dưới, máy bay phải lượn bên trên thêm nhiều vòng mới đến lượt hạ cánh.

Bài 3: Ngóng chờ diện mạo mới sân bay Tân Sơn Nhất, metro số 1 - Ảnh 1.

Dự án nâng cấp sân bay và mở rộng các tuyến đường xung quanh được kỳ vọng giải quyết tình trạng kẹt trong, kẹt ngoài tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hồng Phúc.

Nhưng, bên ngoài sân bay, người dân lẫn hành khách vẫn đang phải vật lộn với các con đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, nút giao Lăng Cha Cả… kết nối sân bay Tân Sơn Nhất. Nguyên nhân là các con đường này vào khung giờ cao điểm thường xuyên ùn tắc. Đáng chú ý, tình hình kẹt trong kẹt ngoài đã diễn ra nhiều năm, dù TP.HCM đã có kế hoạch mở rộng từ 5 năm trước.

Năm 2016, Sở GTVT TP.HCM lập kế hoạch triển khai 6 dự án giao thông nhằm giảm ùn tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đến nay chỉ mới một nửa hoàn thành. 3 dự án còn lại là xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và mở một đoạn đường Cộng Hòa ở nút giao Lăng Cha Cả vẫn án binh bất động và trở thành điểm nghẽn nặng nề quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Chị Nguyễn Mai Chi (quận Tân Phú) cho biết hàng ngày đều phải đi qua đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), nhưng con đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất cứ chiều tan tầm là kẹt cứng, đi đường tắt vào những con đường xung quanh cũng trong tình trạng tương tự. "Nghe tin mở đường Cộng Hòa, đường Hoàng Hoa Thám nhưng chờ mấy năm nay vẫn chưa thấy rục rịch. Đường thoáng qua khu vực này chỉ mất hơn 5 phút, nhưng tắc đường là gần nửa tiếng", chị Chi than.

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn lo ngại: "Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất chưa xây, tình hình giao thông quanh sân bay, đặc biệt ở đường Trường Sơn đã nghẽn, khi xây xong, nếu không làm được phương án kết nối giao thông khả thi có thể sẽ kẹt cứng luôn".

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, sân bay Tân Sơn Nhất là điểm đầu tiên đón các nhà đầu tư nước ngoài khi đến TP.HCM. Nhưng việc để họ chứng kiến cảnh tắc nghẽn tứ phía từ Tân Sơn Nhất thì khó thuyết phục rót vốn.

Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, sở dĩ nhiều dự án giao thông, hạ tầng trọng điểm của TP chậm tiến độ vì khó khăn về cơ chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng nhưng quan trọng hơn hết vẫn là bài toán thiếu vốn.

Giấc mơ metro số 1 

Sân bay Tân Sơn Nhất kẹt trong kẹt ngoài, di chuyển vào trung tâm TP.HCM lại gặp cảnh công trường xây dựng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, khu vực trước chợ Bến Thành (quận 1) vẫn còn ngổn ngang. Dự án này được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt TP.HCM nhưng phải liên tục lùi thời hạn về đích.

Dự án metro số 1 có tổng chiều dài gần 20km, được phê duyệt ban đầu năm 2007 với tổng mức đầu tư 17.388 tỷ đồng. Sau đó, đơn vị tư vấn là liên danh NJPT (gồm các công ty tư vấn Nhật Bản) cập nhật, tính toán lại và đề xuất tổng mức đầu tư lên đến 47.325 tỷ đồng, tức cao hơn khoảng 30.000 tỷ so với phê duyệt ban đầu.

Bài 3: Ngóng chờ diện mạo mới sân bay Tân Sơn Nhất, metro số 1 - Ảnh 2.

Một số toa tàu của metro số 1 đã về đến Việt Nam nhưng việc vận hành sẽ tiếp tục được dời sang năm 2022. Ảnh: Bạch Dương.

Vốn đầu tư tăng vọt, metro số 1 gặp khó ngay từ ban đầu, mãi sau khi được Thủ tướng "đồng ý cho UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án", dự án mới được khởi công vào tháng 8/2012. Khi đó, TP.HCM đã ký 2 hiệp định vay ODA với số tiền 31.000 tỷ đồng của JICA và giải ngân được khoảng 40%.

Tuy nhiên, việc chậm thông qua chủ trương tăng vốn để giải ngân khiến dự án nhiều lần gặp khó. Cuối năm 2015, liên danh nhà thầu chính thi công gói thầu số 2 (Sumitomo - Cienco 6) yêu cầu TP.HCM bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao mặt bằng với số tiền lên đến 2,5 tỷ đồng/ngày. Đỉnh điểm, tháng 11/2018, Đại sứ Nhật Bản có thư gửi Chính phủ và TP.HCM, cho biết số tiền chậm trả nhà thầu đã lên tới 100 triệu USD, nếu không giải quyết trong thời hạn 1 tháng thì sẽ ngừng thi công.

Không biết mất bao nhiêu cuộc họp để giải nguy cho dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và liên tục "giật gấu vá vai", TP.HCM đã tạm ứng cho dự án này hơn 4.000 tỷ đồng từ năm 2016. Mãi đến tháng 10/2019, khi TP.HCM nhận được văn bản thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn từ Bộ KH&ĐT, điều chỉnh vốn từ gần 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ đồng, metro số 1 mới có cơ sở về đích sau nhiều lần lỗi hẹn.

Một số đoàn tàu từ Nhật Bản đã về đến Việt Nam khiến người dân càng trông đợi vào metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sau hơn một thập kỷ chờ đợi. Hiện toàn tuyến đã hoàn thành được khoảng 83% tiến độ. Tuy nhiên, sau nhiều lần lỡ hẹn, nhiều khả năng metro số 1 sẽ tiếp tục không thể về đích đúng kế hoạch là quý IV/2021, mà phải lùi sang năm 2022. 

Nguyên nhân vì Covid-19 và đặc biệt, vướng mắc của việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát vẫn chưa được tháo gỡ. Mới đây, UBND TP.HCM đã kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị vốn vay cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại của dự án này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem