TP.HCM xin nâng điều tiết ngân sách lên 23%:Bài 2: Gian nan kịch bản xin tăng thêm 5%

Bạch Dương - Hồng Phúc Thứ ba, ngày 25/05/2021 13:00 PM (GMT+7)
Tháng 10 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự toán ngân sách năm 2022 cùng với đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP.HCM. Nếu dự toán được Quốc hội thông qua, sẽ mở ra khả năng giải quyết nhiều vấn đề dân sinh nhức nhối, từ tắc nghẽn giao thông đến ngập nước, xử lý môi trường, an sinh xã hội...
Bình luận 0
Thôi thúc ngân sách đầu tư phát triển TP.HCM: Bài 2: Gian nan con đường đến số 23% - Ảnh 1.

Giai đoạn 2015-2020, tổng chi phí đầu tư cho giao thông ở TP.HCM hơn 50.000 tỷ đồng, nhưng kinh phí giải phóng mặt bằng đã chiếm 50%.

12 kịch bản xoay quanh tỷ lệ điều tiết ngân sách

Trong văn bản kiến nghị gửi tới Chính phủ, Thủ tướng, UBND TP.HCM cho biết năm 2020, tiến hành xây dựng Đề án "Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025", thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học.

Vừa qua cùng làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng tôi đã có ý kiến về việc đưa ra nghị quyết chung là nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM để thành phố có điều kiện phát triển và tiếp tục đầu tư. Chúng tôi sẽ ủng hộ việc đưa ra Quốc hội nghị quyết này. Một phần trăm điều tiết cho TP.HCM tức là tăng lên 2.000 tỷ đồng. Như vậy TP.HCM có điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư phát triển hạ tầng, giải quyết các vấn đề nhằm nâng cao đời sống, an sinh xã hội cho người dân. Để lại một đồng, TP.HCM có thể đầu tư để tăng thành hai – ba đồng.                                                               (Trích ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, ngày 14/5)

Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy, phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM là 23% trong giai đoạn 2022-2025 (bằng với giai đoạn 2011-2016) cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí.

Đặc biệt hơn, theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM được giữ nhiều ngân sách thì số tiền nộp về ngân sách trung ương lại tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% ngân sách để lại cho TP.HCM.

Ngày 31/7/2020, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc để lấy ý kiến Ban Kinh tế trung ương về đề án "Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030" để tăng thu ngân sách nộp về trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững. Hai kịch bản tăng thu, điều tiết ngân sách cho TP.HCM cũng được các đại biểu tham dự báo cáo nêu ra.

Cụ thể, kịch bản thứ nhất, khi tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 23%, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương bình quân giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng 1,41% (tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương tăng 39.599 tỷ đồng).

Kịch bản hai, khi tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 26%, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương bình quân giai đoạn 2026-2030 sẽ tăng 3% (tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương tăng 343.861 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM đã phân tích, do TP.HCM là trung tâm có hiệu quả kinh tế cao nhất nước, năng suất gấp 2,8 lần bình quân cả nước; một đồng vốn công bỏ ra ở TP.HCM thu hút 10-14 đồng vốn đầu tư và mỗi năm tạo thêm 126.000 việc làm.

Sau đó, Thành ủy TP.HCM đã có Tờ trình kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 là 23%, thay vì 24% như ban đầu.

Nếu được tăng 5%, sẽ có thêm 10.000 tỷ đồng/năm

Mới đây, trong cuộc làm việc với TP.HCM, đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM từ 18% lên 23% giai đoạn 2022-2025 và lên 26% vào 2026-2030 đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ.

Thôi thúc ngân sách đầu tư phát triển TP.HCM: Bài 2: Gian nan con đường đến số 23% - Ảnh 3.

Một số toa tàu của metro số 1 đã về đến Việt Nam nhưng việc vận hành sẽ tiếp tục được dời sang năm 2022. Ảnh: Bạch Dương

Theo tin từ Bộ Tài chính, tháng 10 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự toán ngân sách năm 2022 cùng với việc tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP.HCM. Nếu dự toán được Quốc hội thông qua, khả năng sẽ mở ra trang mới trong ngân sách TP.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nếu được tăng 5% tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022-2025, thành phố sẽ có thêm khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng số tiền giữ lại không phải để phát triển riêng cho TP.HCM mà nó có tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng phát triển và nguồn thu đưa về Trung ương sẽ tăng nhiều hơn.

TS. Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm ngân sách được giữ lại nhiều hơn, TP.HCM sẽ có cơ sở để thực hiện các dự án kết nối vùng, mà trước mắt là khép kín các đường vành đai. "Mạng lưới giao thông hướng tâm và vành đai kết nối vùng cần có đầu tư nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách Trung ương để tạo điều kiện cho kinh tế vùng đô thị phát triển", ông Sơn nói.

Theo dự thảo ngân sách năm 2021, TP.HCM dự toán thu 364.893 tỷ đồng, gồm 3 khoản:

Khoản thu thành phố được hưởng 100% (các loại thuế tài nguyên, môn bài, sử dụng đất nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền thuê mặt nước...) khoảng 33.522 tỷ đồng .

Khoản thu hộ cho Trung ương, tức thu được bao nhiêu nộp về Trung ương bấy nhiêu, là 133.758 tỷ đồng (các loại thuế GTGT từ hàng hoá nhập khẩu, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp khai thác dầu khí...).

Khoản thu phân chia phần trăm khoảng 197.613 tỷ đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt....). Đây mới là khoản phân chia giữa Trung ương với thành phố. Khi điều chỉnh tăng 1%, thành phố được thêm chừng 2.000 tỷ đồng mỗi năm; 5% tương đương 10.000 tỷ đồng. Nếu thông qua, thành phố sẽ dùng kinh phí này đầu tư hạ tầng, giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem