Người đàn ông 13 năm làm “cha” của hơn 1.000 con chim bồ câu ở Đà Nẵng

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ sáu, ngày 05/05/2023 07:18 AM (GMT+7)
Với những ai đã từng đặt chân đến Công viên Biển Đông (đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), thì hình ảnh cả nghìn con chim bồ câu tung bay giữa bầu trời xanh chắc có lẽ là hình ảnh ấn tượng nhất.
Bình luận 0

Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những cánh chim sải rộng ấy, là sự cống hiến hết mình của người đàn ông đã ngoài tuổi ngũ tuần.

13 năm làm "cha" của đàn chim bồ câu

Giữa âm thanh sóng vỗ cuồn cuộn cùng cái gió biển lạnh tê người, ông Lê Minh Hải (57 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) vẫn cần mẫn với công việc chăm sóc đàn chim bồ câu, tại một khoảng sân thuộc Công viên Biển Đông.

Người đàn ông 13 năm làm “cha” của hơn 1.000 con chim bồ câu ở Đà Nẵng - Ảnh 1.

Đã 13 năm ông Hải làm “cha” của đàn chim bồ câu tại Công viên Biển Đông. Ảnh: T.N.

Tạm nghỉ tay, ông Hải phấn khởi chia sẻ cùng chúng tôi niềm vui nhỏ đã gắn bó với ông 13 năm qua. Suốt thời gian đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc "Vườn chim hòa bình", ông luôn cố gắng hết mình để đàn chim phát triển khoẻ mạnh, nâng niu chúng như những đứa con của mình.

Ông Hải cười đùa nói: "Ai thấy nghề này nhằm chán, vất vả, chứ riêng tôi thì tự hào lắm. Bởi đâu phải ai cũng được làm "cha" của những con chim bồ câu được mệnh danh là sứ giả của hoà bình. Mỗi ngày, chỉ cần nhìn thấy chúng bay lượn khoẻ mạnh, tập trung đủ đầy là tôi vui lắm rồi".

Người đàn ông 13 năm làm “cha” của hơn 1.000 con chim bồ câu ở Đà Nẵng - Ảnh 2.

Vườn chim hòa bình được thành lập năm 2009, hiện nay có quy mô 5 chuồng nuôi với hơn 1.000 con. Ảnh: T.N.

Người đàn ông 13 năm làm “cha” của hơn 1.000 con chim bồ câu ở Đà Nẵng - Ảnh 3.

Ông Hải yêu quý và nâng niu đàn chim bồ câu như con của mình. Ảnh: T.N.

Vườn chim hòa bình được thành lập năm 2009, đến năm 2010, ông Hải được bạn bè giới thiệu công việc chăm sóc và huấn luyện đàn chim. Vốn sẵn kiến thức về chăn nuôi thú y, ông nhận lời quản lý số lượng bồ câu hơn 300 con, qua thời gian nuôi dưỡng và chăm sóc, hiện nay tổng đàn tăng lên hơn 1.000 con với 5 chuồng nuôi.

Đều đặn hàng ngày, ông có mặt tại chuồng lúc 6h sáng để kiểm tra đàn chim có bị bệnh hay mất trộm không. Sau đó sẽ dọn dẹp khuôn viên và chuồng trại, vệ sinh bể tắm, chum nước, thay nước mới. Đúng 7h30, ông thổi còi để gọi đàn chim bay xuống sân nhặt lúa.

Buổi chiều, 2h30 ông lại có mặt để chăm sóc và lúc 4h30 cho chim ăn. Sau khi "đàn con thơ" đã ăn no, bay về tổ thì ông mới hoàn tất công việc và ra về.

Người đàn ông 13 năm làm “cha” của hơn 1.000 con chim bồ câu ở Đà Nẵng - Ảnh 4.

Bể tắm và chum nước uống của chim được ông Hải vệ sinh và thay mới mỗi ngày. Ảnh: T.N.

Ông Hải chia sẻ, hiện nay đàn chim này là giống bồ câu ta, sinh trưởng mạnh và chịu được khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, đặc biệt là chịu được sức mạnh của gió. Tuy bồ câu dễ nuôi, sức đề kháng cao, nhưng sợ nhất là vào mùa mưa bão, chim di cư nên hao hụt một ít.

Dù ông cùng với các anh em trong Ban quản lý đã ra sức che chắn tổ, nhưng khi gió bão quật kéo dài thì chim không chịu được, hoảng sợ quá mà chết, hoặc bay vào chùa chiền, nhà dân trong thành phố để trú ẩn. Nếu chủ nào cho ăn thì chim sẽ ở lại và không về tổ nữa.

Người đàn ông 13 năm làm “cha” của hơn 1.000 con chim bồ câu ở Đà Nẵng - Ảnh 5.

Ông Hải thổi còi gọi chim xuống ăn vào đúng 7h30 sáng và 4h30 chiều. Ảnh: T.N.

Mỗi ngày, đàn bồ câu ăn hơn 30kg lúa. Để chim khoẻ mạnh và mắn đẻ hơn thì ông Hải thường trộn lúa với đậu xanh, hạt ngô.

Niềm vui nhỏ mỗi ngày

Ông Hải cho hay: "Bồ câu cũng giống như gà vậy, sợ nhất là dịch cúm gia cầm lây lan làm chết hàng loạt. Do đó, tôi luôn theo dõi kỹ tình trạng đàn để xử lý kịp thời, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh gà rù, tiêu chảy, tụ huyết trùng. Những con chim bị bệnh hoặc thương tật thì tôi nhốt riêng, chăm sóc đặc biệt, đợi đến khi khoẻ hẳn mới thả về đàn".

Người đàn ông 13 năm làm “cha” của hơn 1.000 con chim bồ câu ở Đà Nẵng - Ảnh 6.

Mỗi ngày, ông Hải có mặt tại chuồng lúc 6h sáng để kiểm tra đàn chim, dọn dẹp vệ sinh. Ảnh: T.N.

Ông chỉ thổi vài hồi còi và vung nắm lúa xuống sân là cả đàn chim đã bay sà xuống, vây quanh và quấn quýt như được "cha" vỗ về. Đây cũng chính là niềm vui nhỏ mỗi ngày của ông Hải khi được nhìn ngắm đàn chim câu tập trung đông đủ, ăn khoẻ, bộ lông mượt mà nhiều màu sắc, ai nhìn thấy cũng trầm trồ, khen ngợi.

Trong quá trình cho chim ăn, ông sẽ quan sát dáng đi của chim, xem chúng có ăn khoẻ không, bộ lông có mượt không để bắt bệnh. Quản lý và chăm sóc cả nghìn con chim không phải dễ, nhưng với tình yêu đặc biệt dành cho bồ câu, ông Hải luôn nâng niu chúng từ khi còn trong trứng đến khi sải cánh bay giữa trời xanh.

Người đàn ông 13 năm làm “cha” của hơn 1.000 con chim bồ câu ở Đà Nẵng - Ảnh 7.

Đàn chim bồ câu giống thuần Việt, thân hình nhỏ bé, chịu được khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Ảnh: T.N.

Ông Hải nhớ lại: "Trong đợt toàn thành phố bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, tôi phải bàn giao công việc cho Ban quản lý. Suốt 18 ngày đó, tôi trằn trọc, lo lắng và rất nhớ đàn chim câu, gặp lại chúng tôi mừng lắm. Dù công việc có chế độ nghỉ phép đầy đủ, nhưng bí lắm tôi mới xin nghỉ vài ngày đau ốm, còn bất kể trời nắng hay mưa, lễ Tết gì tôi cũng ở đây".

Người đàn ông 13 năm làm “cha” của hơn 1.000 con chim bồ câu ở Đà Nẵng - Ảnh 8.

Ông Hải hướng dẫn du khách cách cho chim ăn, tập cho chim dạn dĩ hơn. Ảnh: T.N.

Chim bồ câu từng là loài vật đưa thư của vua chúa ngày xưa vì có khả năng định vị rất tốt. Trong Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê năm 2022 tại đường Nguyễn Tất Thành, ông Hải làm dấu và mang 60 con chim bồ câu đến đây thả. Sau đó, ông về chuồng kiểm tra lại thì thấy chim đã bay về đủ.

Không chỉ là biểu tượng của hòa bình, chim bồ câu còn đại diện cho tình yêu lứa đôi chung thuỷ, hạnh phúc. Vì thế, Công viên Biển Đông luôn thu hút nhiều người dân, du khách, cặp đôi uyên ương đến đây để chụp hình cùng đàn chim. Khung cảnh cả ngàn con chim bồ câu muôn sắc màu tung cánh giữa biển trời rộng lớn, đã trở thành hình ảnh khó phai trong lòng mọi người.

Người đàn ông 13 năm làm “cha” của hơn 1.000 con chim bồ câu ở Đà Nẵng - Ảnh 9.

Hình ảnh những “chú” bồ câu nhỏ bé giữa biển trời rộng lớn tạo nên một điểm nhấn cho bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: T.N.

Ông Hải chia sẻ thêm, bồ câu đã quen với tiếng còi của ông nên khi người lạ thổi chim sẽ không xuống nhiều. Để du khách có được những bức ảnh đẹp, ông sẽ ở lâu hơn, hướng dẫn họ cách vung lúa, bước đi nhẹ nhàng và làm quen với chim, đồng thời cũng tập cho chim dạn dĩ hơn, gần gũi với con người.

Hiện nay, ông Hải đang đề xuất lên Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phương án mua thêm một số lượng chim giống thuần chủng, để nhân giống, giảm thiểu tình trạng lai giống cận huyết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem