Người Mông làm homestay thu trăm triệu ngon ơ

Hoàng Tính Chủ nhật, ngày 23/04/2017 06:41 AM (GMT+7)
Có tới 6 huyện nằm trong Chương trình 30a, vì vậy trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Hà Giang đã xác định nhiệm vụ nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Bình luận 0

NTM là 1 trong 8 đột phá

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Bế Văn Đại - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Giang cho biết, để việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM có được sự đồng thuận, nhất trí cao trong các cấp, ngành, ban lãnh đạo Tỉnh ủy đã sớm có chỉ đạo, cụ thể hóa bằng Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đến năm 2020. Đặc biệt, Chương trình xây dựng NTM được xác định là 1 trong 8 đột phá, 15 nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 – 2015.

img

 Đoàn cán bộ Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hà Giang thăm mô hình làm vườn tại thôn Minh Thành, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên.  Ảnh: Văn chiến

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang có 46 làng văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang được triển khai xây dựng, đi vào hoạt động. Trong đó, có 29 làng đã được ra mắt chính thức, 17 làng đang được đầu tư xây dựng. Đa số các làng của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Pà Thẻn… và một số làng của các dân tộc ít người khác.

Cho đến nay Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành trên 200 nghị quyết, quyết định, thông báo, kế hoạch… tới các địa phương nhằm kiện toàn bộ máy phục vụ chương trình, đến việc triển khai chương trình xuống thôn, bản, xã… Theo đó, các đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy là người đi đầu và chịu trách nhiệm chính; đảm nhiệm vị trí trưởng ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM.

Tỉnh cũng đã linh hoạt, sáng tạo trong triển khai Chương trình NTM bằng việc ban hành Quyết định 1133/QĐ-UBND ngày 10.6.2014 về phê duyệt “Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2014-2016”. Đến nay, chương trình đã triển khai hiệu quả tại 21 xã, bao gồm 10 xã trong vùng đặc biệt khó khăn và 11 xã điểm xây dựng NTM, góp phần sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư cũng như tạo sự chủ động cho chính quyền và người dân trong sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ.

Gần đây nhất, ông Đại cho biết UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt đề án 1 triệu tấn xi măng đầu tư cho hạ tầng nông thôn và xây dựng NTM cho các xã giai đoạn 2017 – 2020, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Đây là đề án khẳng định niềm tin và quyết tâm cho sự phát triển của nông thôn Hà Giang trong thời kỳ mới. Cũng chính nhờ có sự hỗ trợ xi măng mà giai đoạn trước, Chương trình xây dựng NTM đã nhận được đóng góp to lớn của nhân dân” – ông Đại cho biết.

Cụ thể, người dân trong toàn tỉnh đã tham gia hiến hơn 2.202,684m2 đất và 2.168,380 ngày công để làm đường giao thông, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các phong trào nổi bật như “Nông dân tham gia xây dựng NTM”; “Nhà sạch, vườn đẹp”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Quân đội chung sức xây dựng NTM”… đã tạo khí thế thi đua sôi nổi khắp các địa phương.

Tầm nhìn xa về giải pháp tăng thu nhập

Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới, do đó xuất phát điểm để xây dựng NTM cũng ở mức thấp; thu nhập, mức sống người dân không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao... Đây chính là những khó khăn, rào cản lớn nhất khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn.

Trước tình hình đó, ông Đại cho biết Hà Giang đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình NTM với các chương trình, dự án khác, trong đó ưu tiên vốn đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn. Trong quá trình triển khai, tỉnh ưu tiên thực hiện các tiêu chí có thể tạo ra sự đột phá, có tính chất lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Điều đáng mừng là trong giai đoạn vừa qua, tỉnh đã huy động được 3.407,83 tỷ đồng để phục vụ chương trình, trong đó vốn trái phiếu chính phủ là 505 tỷ đồng; vốn lồng ghép, vốn đóng góp của các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp là 502,6 tỷ đồng…

Với 80% dân số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Hà Giang đã có những giải pháp cụ thể nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, tỉnh đã có quy hoạch chi tiết đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng khai thác tốt thế mạnh riêng của từng cây, con cho từng vùng; tập trung xây dựng một số vùng trồng cây đặc sản như cam, quýt, cây dược liệu… kết hợp du lịch sinh thái.

Tỉnh cũng quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và dịch vụ, theo chuỗi giá trị như: Chăn nuôi lợn, chè, cao su, gỗ nguyên liệu rừng trồng; trồng và chế biến dược liệu; trồng chanh leo, gấc… Nhờ đó trên địa bàn đã có những mô hình như chăn nuôi lợn đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm; nuôi trâu hàng hóa đạt lợi nhuận 100 triệu đồng/năm; trồng cam VietGAP lợi nhuận 200 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu khám phá, du lịch ngày càng đông của du khách trong và ngoài nước, các dịch vụ lưu trú ở Hà Giang đang rất phát triển, trong đó phải kể đến loại hình homestay. Với dịch vụ này, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang đã tăng thu nhập đáng kể, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và lưu thông hàng hóa từ những sản phẩm nông sản do chính bà con làm ra. Bình quân, mỗi hộ khi tham gia làm du lịch cộng đồng có thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/năm, thậm chí có hộ đạt gần 200 triệu đồng/năm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem