Người Việt tại Bờ Biển Ngà kêu cứu

Thứ năm, ngày 07/04/2011 11:08 AM (GMT+7)
Rạng sáng 4.4, bất ngờ nhận được cuộc gọi cầu cứu từ một người đàn ông tên Phi tại Bờ Biển Ngà: “Tôi và nhóm bạn người Việt đang phải trốn suốt ở nhà, không dám ra đường vì giao tranh và cướp bóc đang tràn lan bên này”.
Bình luận 0

Bất ngờ, cuộc gọi gián đoạn và trong suốt 2 ngày qua, PV cố gắng liên lạc với Phi nhưng không được.

Đến khoảng 18 giờ tối qua, chúng tôi đã liên lạc được với số máy 255.071… bên đầu dây bên kia, anh Phi (tên đầy đủ là Trần Kim Phi, 29 tuổi, quê quán Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết bên ngoài, tiếng súng, tiếng đạn pháo oanh tạc liên tục.

Phi qua Bờ Biển Ngà được 2 năm, phụ việc cho một quán ăn Việt Nam ở thành phố Abidjan, nơi diễn ra giao tranh ác liệt nhất. Phi cho biết quán ăn nơi anh làm việc đã đóng cửa từ ngày 30.3 và những ông chủ của anh cũng không biết đang lưu lạc nơi đâu.

img
Giao tranh ác liệt tại Abidjan, nơi có nhiều người Việt sinh sống - Ảnh: Reuters

Cũng qua điện thoại, chúng tôi được chị L.B. Thanh (quê Sóc Trăng) cho biết, chị cùng 7 người khác gồm các anh chị: Âu, Vinh, Quí, Lan, Tuấn, Nhân, Phi đã trốn suốt trong nhà tròn một tuần lễ. Chị Thanh qua Bờ Biển Ngà 12 năm nhưng đây là lần đầu tiên phải đối diện với tình hình căng thẳng như vậy.

Đường dây trực ngoài giờ của Sứ quán VN tại Ma-rốc: (00212) 676 594 914

Chị Thanh cho biết thêm ở những khu vực xung quanh còn khá nhiều người Việt, mạnh ai nấy trốn. Ai may mắn chạy đến được trại tị nạn thì an toàn hơn.

“Nhóm tôi không biết tình hình nên giờ chỉ biết cầm cự cho qua ngày vì không cập nhật được tin tức, cũng không dám ra đường”, chị nghẹn ngào, “Mấy ngày đầu bạo loạn, tụi cướp đến gõ cửa nhà nhưng may là cảnh sát đến kịp. Còn bây giờ chỉ cầu mong số phận qua từng ngày một”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bờ Biển Ngà thuộc phạm vi hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc. Liên lạc qua đường dây trực ngoài giờ (00 212) 676 594 914 của Sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc, chúng tôi được Tham tán Phạm Văn Độ cho biết là tại Bờ Biển Ngà có khá nhiều người Việt sinh sống.

Tuy nhiên, ông Độ nói: “Đa số là người đi theo diện lao động, thủy thủ rồi ở lại nên không thống kê được con số chính xác”.

Ông Độ đề nghị chúng tôi cung cấp số điện thoại nói trên để người Việt kẹt trong vùng giao tranh có thể liên hệ, cung cấp chi tiết tình hình cụ thể hơn cho sứ quán và từ đó có biện pháp can thiệp thích hợp.

Tuy nhiên, tình hình Bờ Biển Ngà vẫn đang hết sức khó lường, các mạng viễn thông bị cắt, internet cũng không có. Cuộc gọi của chúng tôi thường bị nhiễu và gián đoạn nhiều lần. Chính vì vậy, chị Thanh hay anh Phi không thể trình bày nhiều hơn hoặc gửi ảnh từ nơi trú ẩn về.

Rất mong các ngành chức năng vào cuộc sớm để giải thoát công dân Việt Nam tại Bờ Biển Ngà như lần đưa lao động từ Libya trở về vừa rồi.

Tình hình rối rắm

Trong suốt ngày 5.4 đến sáng qua, nhiều lần giới chức LHQ, Pháp và quân đội của tổng thống được LHQ công nhận Alassane Ouattara tuyên bố Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo đang đàm phán để đầu hàng. Tuy nhiên, trả lời Đài truyền hình LCI hôm qua, ông Gbagbo khẳng định: “Tôi sẽ không công nhận chiến thắng của Ouattara”. Đến tối qua, AFP dẫn nguồn tin của Chính phủ Pháp cho biết quá trình thương thuyết về việc đầu hàng của ông Gbagbo đã thất bại. Còn theo phát ngôn viên lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ Nick Birnback, quá trình đàm phán vẫn tiếp tục.

Trong khi đó, các nhân chứng hôm qua cho hay đã nghe nhiều tràng súng liên thanh gần tư dinh của ông Gbagbo ở thành phố Abidjan. Quân đội

Ouattara tuyên bố đã tiến vào tư dinh của ông Gbagbo và đang tìm kiếm hầm bí mật để bắt sống ông này. Tuy nhiên, không lâu sau, một số nhân chứng kể lại trên Đài truyền hình BFMTV rằng lực lượng Ouattara đã bị đẩy lùi.

Theo Thanh Niên Online
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem