Nguy cơ thương chiến Mỹ Trung leo thang, chứng khoán Mỹ tiếp tục đi ngang

20/09/2019 09:37 GMT+7
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ còn chỉ số S&P 500 gần như đi ngang hôm 19/9 sau những diễn biến không mấy lạc quan của thương chiến Mỹ Trung.
Nguy cơ thương chiến Mỹ Trung leo thang, chứng khoán Mỹ tiếp tục đi ngang  - Ảnh 1.

Thương chiến Mỹ Trung có dấu hiệu leo thang trở lại

Dow Jones giảm 52,29 điểm xuống 27,094,79 điểm tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch khi mức tăng của cổ phiếu Microsoft và UnitedHealth không đủ để bù đắp sự giảm mạnh của cổ phiếu Boeing và Walt Disney. S & P 500 đóng cửa gần như không thay đổi so với phiên giao dịch trước ở mức 3.006,79 điểm nhờ sự tăng của cổ phiếu lĩnh vực sức khỏe bù đắp lại mức sụt giảm của cổ phiếu công nghiệp và năng lượng. Còn chỉ số tổng hợp NASDAQ giảm 0,1%, đóng cửa ở mức 8,182,88 điểm.

Như vậy, S&P 500 hiện còn cách mức cao nhất mọi thời đại là 0,7%. Trong tuần, Dow Jones giảm 0,4% trong khi S&P giảm 0,02%.

Các cổ phiếu đã tăng mạnh vào buổi sáng sau đó sụt giảm khi cố vấn Nhà Trắng Michael Pillsbury cảnh báo Mỹ sẵn sàng leo thang thương chiến Mỹ Trung nếu Bắc Kinh không sớm đi đến một thỏa thuận. Còn Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu trong ngày hôm qua thì nêu quan điểm Trung Quốc không vội vàng tiến tới thỏa thuận với Mỹ.

"Cả Trung Quốc và Mỹ nên trân trọng các cuộc đàm phán hiện tại. Nhiều quan chức Mỹ dường như đang hiểu sai thiện chí của Trung Quốc. Họ cho rằng các hành động gần đây thể hiện vị thế yếu kém của Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn nói những điều không hay trước mỗi phiên đàm phán, nhưng tôi biết rằng Trung Quốc không vội vàng đạt đến thỏa thuận như phía Mỹ đang tin tưởng".

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư phố Wall vẫn lạc quan về triển vọng đàm phán chấm dứt thương chiến Mỹ Trung. Cuộc tham vấn giữa hai bên đang diễn ra tại Washington để chuẩn bị cho vòng đàm phán diễn ra vào đầu tháng 10 tới, quyết định liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có tiến tới thỏa thuận hay sẽ tiếp tục các đợt trừng phạt thuế quan. Nhưng tình hình có vẻ không mấy sáng sủa. Bằng chứng là các nhà đàm phán của Mỹ bao gồm cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đều bày tỏ rất ít lạc quan về vòng đàm phán sắp tới, sau một tháng 8 đầy những biến động. Cố vấn Kinh tế Larry Kudlow thậm chí còn cảnh báo hai bên có thể mất tới hàng thập kỷ để giải quyết mâu thuẫn, chấm dứt cuộc thương chiến Mỹ Trung kéo dài hơn một năm nay. 

Hôm thứ 4, Phố Wall cũng giữ tâm trạng thận trọng sau khi FED phê duyệt cắt giảm lãi suất 0,25% nhưng không phát tín hiệu một đợt cắt giảm lãi suất khác từ nay đến cuối năm. Các quan chức FED viện dẫn thị trường việc làm mạnh mẽ, tăng trưởng GDP ổn định và dữ liệu kinh tế lạc quan của Mỹ để khẳng định mức lãi suất hiện tại là phù hợp. Chủ tịch FED Jerome Powell cũng chỉ ra ông không thấy nguy cơ suy thoái kinh tế vào năm 2020. 

Việc FED cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong năm đã đưa khung lãi suất liên bang cơ bản xuống 1,75-2%. Sau tuyên bố của FED, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích hành động cơ quan này là "không gan dạ, không có ý nghĩa cũng chẳng có tầm nhìn".

Thùy Dung
Cùng chuyên mục