Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phan Diễn: Ông Lê Khả Phiêu rất trăn trở với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng

Lương Kết (ghi) Thứ hai, ngày 10/08/2020 07:47 AM (GMT+7)
“Một trong những dấu ấn ông Lê Khả Phiêu để lại trong thời gian làm Tổng Bí thư, đó là thúc đẩy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát động đấu tranh với những hư hỏng trong Đảng, bộ máy Nhà nước, đặc biệt đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tha hoá”, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị cho biết.
Bình luận 0

Dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng

Là người có thời gian công tác cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư có những chia sẻ: Có thể thấy ông Lê Khả Phiêu có thời gian dài phục vụ quân đội, chiến đấu vào sinh ra tử, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Điều tôi có ấn tượng sâu về nguyên Tổng Bí thư, đó là người rất nhiệt huyết, khi đã có ý tưởng gì thì rất tâm huyết với vấn đề đó.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phan Diễn: Ông Lê Khả Phiêu rất trăn trở với đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 1.

Một trong những dấu ấn ông Lê Khả Phiêu để lại trong thời gian làm Tổng Bí thư, đó là thúc đẩy công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát động đấu tranh với những hư hỏng trong Đảng và trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tha hoá.

Tôi thấy, trong những nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhiệm kỳ nào cũng có những Hội nghị Trung ương bàn về công tác xây dựng Đảng. Vì xây dựng Đảng là vấn đề rất quan trọng, thứ hai là tình hình phức tạp, có những nhức nhối đã lâu. Có nhiều lần chúng ta bàn thì rất kỹ, nói rất nhiều nhưng thấy không có chuyển động rõ ràng.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn trả lời phỏng vấn PV Báo điện tử Dân Việt

Tôi cho rằng, với nội dung Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII, năm 1999 (về những vấn đề cơ bản và cấp bách trong xây dưng Đảng - PV), lúc ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư, đã để lại dấu ấn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn và có thể nói là bắt đầu làm chuyển động, chuyển biến thực sự công tác xây dựng Đảng. Từ đó, mọi người quan tâm hơn, toàn Đảng quan tâm hơn, dần dần đưa ra ánh sáng, xem xét xử lý nhiều vụ việc tiêu cực.

Có thể nói, ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư thời gian hơi ngắn, cuối năm 1997 đến gần giữa năm 2001, vì vậy, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta chưa xử lý được nhiều vụ việc. Có lẽ, vì đây là vấn đề phức tạp cần có thời gian. Tôi thấy ông Lê Khả Phiêu rất trăn trở, thực sự trăn trở về vấn đề này.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phan Diễn: Ông Lê Khả Phiêu rất trăn trở với đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 2.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn (ảnh PV).

Sau Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII, có nhiều lần ông Lê Khả Phiêu trao đổi với tôi. Tôi nhớ mãi. Ông vẫn thường nói, bày tỏ sự lo lắng với tình hình lúc bấy giờ. Ông bảo: "Từ khi mình đổi mới, kinh tế thị trường phát triển đem lại rất nhiều lợi ích, nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hoá, tiêu cực cũng phức tạp". Điều ông lo lắng là không hiểu vì sao đặt vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực, tha hóa đã lâu, nhưng không thấy chuyển động, cũng có thể tình hình mỗi năm lại một phức tạp.

Điều thứ hai, ông Lê Khả Phiêu hay nói là qua sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chúng ta phải thấy nguy cơ từ không làm tốt công tác xây dựng Đảng, để Đảng tha hoá, tiêu cực, xa dân, nhân dân có nhiều ký kiến là rất nguy hiểm.

Đến Đảng cộng sản Liên Xô còn đổ vỡ, thậm chí đổ vỡ rất nhanh thì đừng nói rằng mình không thể. Chúng ta có tránh được hay không là tùy thuộc vào việc làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ bài học của Liên Xô và các nước Đông Âu, chúng ta không bao giờ được phép chủ quan.

Một điều nữa tôi thấy ông cũng thường nói, Đảng ta luôn luôn coi phê bình và tự phê bình là vũ khí săc bén để xây dựng Đảng, thế nhưng trong những năm gần đây hầu hết các vụ tham nhũng, tiêu cực lớn không phải phát hiện được từ nội bộ. Điều đó chứng tỏ tình hình đã đến mức nguy hiểm, tức là công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nếu chỉ đựa vào phê bình và tự phê bình sẽ không còn hiệu quả.

Khi trao đổi với tôi, ông Lê Khả Phiêu nhiều lần nhắc đi, nhắc lại vấn đề nêu trên. Ông thường hay kể ra chuyện này, chuyện khác như chạy chức, chạy quyền trong Đảng, cơ hội, mua chuộc nhau... Thường đây là chuyện chúng ta rất khó nói, nhưng qua câu chuyện ông nói, tôi thấy ông có nhiều thông tin.

Ông Lê Khả Phiêu là người rất sát thực tế, luôn trăn trở, lập trường nhất quán, mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng. Tôi nghĩ, trên cương vị Tổng Bí thư, ông Lê Khả Phiêu đã ghi dấu ấn và có đóng góp quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Người rất tận tình, chu đáo

Ông Phan Diễn kể thêm: Cuối năm 1999, khi tôi đang làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gọi tôi sang phòng làm việc, ông nói: Bộ Chính trị thấy anh chưa có dịp công tác tại các địa phương nên muốn anh đi công tác ở địa phương để có cơ hội rèn luyện, trưởng thành thêm trong thực tế. Bộ Chính trị có ý điều động anh đi Tây Nguyên để phụ trách một một phận chỉ đạo, phối hợp công việc của các tỉnh Tây Nguyên. Anh thấy thế nào?

Tôi nói, đây là lĩnh vực, công việc tôi chưa có kinh nghiệm và hiểu biết, nhưng nếu Bộ Chính thấy cần thì tôi sẵn sàng.

Ông Lê Khả Phiêu nói: Nếu thế thì tốt! Nhưng nói thật, mình vẫn không yên tâm vì bộ phận này chưa ra đời, nhiệm vụ thế nào, tổ chức thế nào, cách làm việc như thế nào chưa có. Tôi sợ giao cho anh một công việc mông lung như vậy sẽ khó hoạt động. Cho nên ý định vậy nhưng để chúng tôi nghĩ thêm.

Một tuần sau họp Bộ Chính trị, Bộ Chính trị quyết định để tôi đi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Minh Triết làm Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Khi tôi chuẩn bị vào Đà Nẵng, trong thường trực Thành ủy Đà Nẵng đang có mâu thuẫn, và một trong những người có mâu thuẫn lại là anh em họ của mình. Một hôm ông Phiêu gọi tôi đến và bảo: Đưa anh vào Đà Nẵng công tác nhưng đang có tình huống tế nhị như vậy, anh phải làm thế nào để người ta không hiểu lầm, xử lý quan hệ trong thường trực cho hay, làm sao thúc đẩy được công việc, không để dị nghị.

Đến hôm tôi sắp đi nhận công tác, ông lại gọi đến. Ông hỏi: Chuyện hôm trước tôi nói, anh định làm thế nào. Tôi trả lời: Thứ nhất, cá nhân tôi không có ý định bênh ông này hay ông kia, đây là điều rõ ràng. Còn cách xử lý, tôi sẽ theo công việc, cái gì đúng thì tôi ủng hộ, cái gì sai thì tôi sẽ góp ý kiến, bất kể là ông nào.

Ông Lê Khả Phiêu bảo: Anh nghĩ vậy là rất tốt. Ông cũng còn góp ý thêm: Đà Nẵng đang có đà, cho nên đối với công việc nội bộ không phải nguyên tắc nếu có va chạm thì cố gắng làm thế nào để không sa đà vào những cuộc tranh chấp không cần thiết, không để cấp ủy sa đà vào những chuyện như thế. Nếu là chuyện có nguyên tắc thì phải làm đến nơi, đến chốn.

Qua việc đó, tôi thấy, ông Lê Khả Phiêu rất quan tâm đến những tình tiết trong sử dụng cán bộ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem