Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Dân Việt: Lập liên minh báo chí để chống xâm phạm bản quyền

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt Thứ hai, ngày 21/06/2021 10:05 AM (GMT+7)
Như nhiều tờ báo khác, Báo điện tử Dân Việt đang bị ăn cắp bản quyền rất trắng trợn, chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Có lẽ thông qua các công cụ đo đếm, nhiều đối tượng nhận thấy Báo điện tử Dân Việt có lượng traffic đáng kể nhất vẫn là từ mảng Nhà nông.
Bình luận 0

Báo điện tử Dân Việt/báo NTNN được định hình đối với bạn đọc là tờ báo cung cấp dòng thông tin chủ đạo về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực tế, trong 4 năm trở lại đây, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 1 trong số ít mảng nội dung nhận được lượt đọc cao nhất trên báo điện tử Dân Việt. Do đó, chúng tôi đầu tư rất nhiều công sức, tài lực, vật lực vào lĩnh vực này. Nhưng đáng buồn là chỉ vừa sản xuất và đăng bài viết lên báo thì sau vài phút đã bị ăn cắp ngay.

Thậm chí, nhiều tin tức thời sự, vấn đề "nóng" của nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đăng tải kịp thời, sớm nhất trên báo điện tử Dân Việt, từ đó tạo thành trend, tạo thành từ khóa khi nhiều các cơ quan báo chí khác cùng vào cuộc. Nhưng kết quả đó cũng đứng trước nhiều thách thức không hề nhỏ. Một trong những thách thức đó là phải bảo vệ được bản quyền các tác phẩm báo chí khi đăng tải và bảo vệ được nguồn dữ liệu ngày càng đa dạng, ngày càng lớn mạnh lên của tờ báo. 

Ăn cắp bản quyền: Từ trắng trợn tới tinh vi

Có những trang dựng lên y hệt, sống hoàn toàn bằng nội dung của tờ báo chúng tôi. Thứ nhất, đó là các website, cổng thông tin điện tử của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên trình duyệt internet. Hình thức này cũng có 3 dạng.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Dân Việt: Lập liên minh báo chí để chống xâm phạm bản quyền - Ảnh 1.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo NTNN/Dân Việt. (Ảnh: Lê Hiếu)

Các cơ quan báo chí cũng cần mạnh mẽ hơn trong việc hạn chế dần việc hợp tác, khai thác lại các tin bài từ báo khác, đặc biệt là "nói không" với các trang tin tổng hợp. Bộ TTTT nên có đánh giá lại loại hình trang tin điện tử tổng hợp này, nếu thấy không có lợi thì nên dẹp bỏ, đó mới là biện pháp xử lý tận gốc.

Dạng 1 là các website lấy tên dễ gây nhầm lẫn với Báo điện tử Dân Việt và tải toàn bộ dữ liệu của Báo Dân Việt xuất bản hàng ngày, hàng giờ lên website của họ. Tôi có cảm giác như nếu một người dân bình thường đọc sẽ rất khó phân biệt được đâu là tờ báo chính thống, đâu chỉ là một trang website lấy lại tin. Tình trạng này đã khiến chúng tôi bức xúc đến mức từng phải báo công an mà không ăn thua vì có những trang đặt máy chủ ở nước ngoài.

Theo thống kê, từ năm 2015-2018 có ít nhất 2 website có tên dễ gây nhầm lẫn với Báo điện tử Dân Việt và tải toàn bộ dữ liệu tin tức đã xuất bản của Báo điện tử Dân Việt. Điển hình năm 2018, Dân Việt đã phải tiến hành các thủ tục để bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí và dữ liệu thông tin của mình khi bị website: baodanviet.com.vn xâm phạm.

Bên cạnh đó, thông qua các công cụ đo đếm lượng traffic, nhiều website ra đời cũng lấy những tên liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thường xuyên khai thác tin, bài hoặc "xào nấu, chế biến" các tin, bài của Báo điện tử Dân Việt mà chưa có sự cho phép của báo. Đó là các website có những cái tên như: nhanongxanh.vn; nhanong.com; nongdan.com.vn; mietnong.com; nongdanlamgiau…

Dạng thứ 2 đó là các website có tên không gây nhầm lẫn với Báo điện tử Dân Việt nhưng lại khai thác lại gần như toàn bộ tin, bài lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của báo. Số website này rất nhiều và đa phần có tên miền không phải của Việt Nam và máy chủ cũng không đặt ở Việt Nam như xaluan.com; vietgiaitri.com…

Dạng thứ 3 là các website do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp lập ra, điều hành phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng). Các website này cũng lựa chọn các tin, bài lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đăng tải trên Báo điện tử Dân Việt để khai thác lại.

Thậm chí, có cả những tập đoàn công nghệ khổng lồ đã tạo ra một hệ sinh thái với hàng chục trang tin và vô tư ăn cắp tin tức của các báo. Tập đoàn này có làm công văn sang báo để xin được dẫn lại, chúng tôi đề nghị phải bỏ tiền mua tin, nhưng họ lại chỉ mua với số tiền rất nhỏ nên chúng tôi không đồng ý. Cuối cùng là họ vẫn vô tư lấy tin tức như chưa có một cuộc đàm phán nào diễn ra cả.

Tôi đặt ra câu hỏi rằng, vì sao họ không mua trong khi họ không thiếu tiền? Câu trả lời cũng đơn giản: Họ có thể ăn cắp được, cả làng lấy được thì sao phải mua?

Cuộc chiến cam go và lâu dài

Khi phát hiện ra các website mạo danh, trang website hay thác dữ liệu thông tin từ Báo điện tử Dân Việt, chúng tôi đã có những động thái ban đầu như: Gửi email, gọi điện nhắc nhở, cảnh báo, yêu cầu chấm dứt. Nếu đối tượng vi phạm không thực hiện thì gửi công văn lên các cơ quan quản lý báo chí ở trung ương và địa phương.

gop/Lập liên minh báo chí để chống xâm phạm - Ảnh 3.

Báo chí truyền thống đang gặp phải sự cạnh tranh dữ dội từ các nền tảng công nghệ như các mạng xã hội, trong đó nhức nhối nhất là vấn nạn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. (Ảnh: S.C.P)

Chỉ có những sản phẩm báo chí mang tính phát hiện, độc quyền cao mới đảm bảo cho mỗi tờ báo việc bảo vệ bản quyền sản phẩm báo chí đó khỏi sự vi phạm, đánh cắp hoặc cop nhặt từ các báo khác hay từ các trang thông tin điện tử. Độc quyền thông tin cũng sẽ kích thích sáng tạo và cạnh tranh khiến nền báo chí phát triển hơn, đa dạng hơn.

Tuy nhiên, giải pháp cảnh báo, nhắc nhở chỉ hiệu quả đối với các trang website có tên miền kết thúc bằng đuôi .vn và có máy chủ đặt ở trong nước. Còn các trang website có đuôi kết thúc bằng .net; .com; .uk… thì khó khăn hơn nhiều, đa số họ không phản hồi và không thực hiện yêu cầu chính đáng do báo đưa ra. Điều này cũng tương tự đối với các trang Facebook nhận tích xanh từ Facebook để hưởng thù lao từ lượt người đọc và thù lao quảng cáo từ Facebook…

Tôi đã làm một cuộc khảo sát bỏ túi với một số đồng nghiệp đang giữ những vị trí khá quan trọng tại một số tờ báo lớn trong nước và cả những người đang làm công tác nghiên cứu báo chí. Khi được hỏi đánh giá của cá nhân về thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay đa phần các ý kiến đều thống nhất một số nội dung: Việc khai thác tin bài đang là một thực trạng đáng buồn của báo chí Việt Nam hiện nay. 

Việc các báo xào lại, lấy lại tin bài của nhau tạo thành một nền báo chí "đồng phục" với các tin bài giống hệt nhau. Đến mức buổi sáng, mở cả chục trang báo điện tử ra thì có thể thấy giống nhau tới 60 – 70% tin bài quan trọng ở trang chủ. Thậm chí có nhiều tờ báo còn giống nhau cả ở bài ở vị trí vedette, và cái tít thậm chí giống nhau tới 90%...

Chỉ có một số ít tờ báo là có được góc nhìn riêng, có được cách tiếp cận riêng với một vấn đề thời sự nóng. Những tin bài độc quyền, vốn là đặc sản của báo chí, đặc sản của những tờ báo lớn, thì nay cũng xảy ra tình trạng bị "xào" lại, với chỉ vỏn vẹn một dòng chữ "Theo nguồn tin của báo X, Y, Z", nhưng thực ra nội dung vẫn là "xào lại" của tờ báo đầu tiên có bản tin độc quyền...

Trong vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, một số tờ báo, trong đó có Báo điện tử Dân Việt, đang có những bước đi mạnh mẽ để bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí của mình và của các báo bạn. Tôi cho rằng, cuộc đấu tranh với vấn đề vi phạm bản quyền trong báo chí sẽ là một cuộc đấu tranh cam go và lâu dài, thậm chí ở ngay trong nội tại của tờ báo đó.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Dân Việt: Lập liên minh báo chí để chống xâm phạm bản quyền - Ảnh 5.

Nhà báo Lưu Quang Định (thứ hai từ phải sang) tham gia một cuộc tọa đàm về vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống Covid-19 do báo Nhà báo và Công luận tổ chức vào tháng 4/2020. (Ảnh: P.V)

Một lãnh đạo cơ quan báo chí có thể mạnh mẽ lên tiếng rằng: Tôi cấm tất cả các báo không được lấy tin bài của tôi và ngược lại tôi cũng cam kết không lấy tin của bất cứ báo nào. . Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, các phóng viên, biên tập viên đã "quen tay" xào xáo tin của nhau như một hệ quả tất yếu của thời kì Internet bùng nổ, công nghệ copy – paste. Thêm vào đó, sự dễ dãi của bản thân, cộng với một môi trường, thể chế lỏng lẻo, không có ai bảo vệ bản quyền... thì vấn đề này sẽ còn là bài toán khó.

Một cách phổ biến hơn, nhiều tờ báo, trong đó có Báo điện tử Dân Việt, đang cố gắng hạn chế số lượng tờ báo có thể trao đổi thông tin. Trong đó có yêu cầu rất rõ rằng: Hai tòa soạn nhất thiết phải có được sự đồng ý bằng văn bản của Ban Biên tập hai bên mới có thể khai thác tin bài của nhau.

Chúng ta đang trong thời kỳ "Chuyển đổi số", "Cách mạng 4.0"… nên tôi cũng rất hy vọng tới đây chúng ta sẽ có những hàng rào, công cụ công nghệ hữu hiệu tương tự để bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Để có được điều này, rất cần sự kêu gọi của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự vào cuộc của những tập đoàn truyền thông, công nghệ lớn mạnh, cùng bắt tay đặt hàng nghiên cứu những công cụ hữu hiệu để kiểm tra, phát hiện, đánh giá những nội dung, những sản phẩm báo chí bị vị phạm bản quyền. 

Thứ ba, theo tôi là cần nâng cao ý thức về việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí từ chính các tòa soạn báo. Môi trường báo chí cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa báo chí với báo chí, giữa báo chí với mạng xã hội và nền tảng truyền thông hiện đại khác lại càng đòi hỏi mỗi tòa báo, mỗi người phóng viên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng bản tin, trong đó tính phát hiện và độc quyền cần được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, đã đến lúc các cơ quan báo chí phải nỗ lực tạo cho mình một bản sắc riêng, một thị trường ngách riêng trong lĩnh vực thông tin. Có như vậy, mỗi tờ báo sẽ có một vị trí riêng biệt trong lòng độc giả với lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Thứ tư là, các cơ quan báo chí cũng cần phải quyết liệt hơn nữa, sẵn sàng tuyên chiến với tình trạng vi phạm bản quyền, ăn cắp thông tin độc quyền từ các trang thông tin điện tử, từ các báo khác. Thậm chí có thể mời luật sư, kiện ra tòa các trường hợp vi phạm bản quyền để lấy đó làm gương.

Trên hết, theo tôi các cơ quan báo chí cần thành lập ngay một liên minh chống lại vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Trong đó, ngoài các báo tham gia liên minh này có sự tham gia của đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TTTT, Bộ Công an, Hội Nhà báo… Trước hết những tờ báo tham gia vào liên minh này cam kết không vi phạm bản quyền tác phẩm của nhau, có thể học hỏi, chia sẻ các cách để bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí của mình.

Những tờ báo tham gia vào liên minh này cam kết không vi phạm bản quyền tác phẩm của nhau, có thể học hỏi, chia sẻ các cách để bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí của mình. Bên cạnh đó, những tờ báo tham gia vào liên minh này sẽ được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực từ liên minh trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.

Liên minh báo chí này cũng cần sớm có sự tham vấn cho các cơ quan lập pháp để sớm sửa đổi các điều luật liên quan tới bản quyền tác phẩm báo chí, trong đó đưa ra trách nhiệm của các Big Tech - những tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia như Google, Facebook… trong việc chia sẻ quyền lợi với các cơ quan báo chí truyền thông trong nước, như cách mà nước Australia đã làm và thành công với gã khổng lồ Facebook và Google khi người dùng của các nền tảng này chia sẻ thông tin báo chí trên đó, đổi lại Facebook và Google cũng phải chia sẻ lại lợi nhuận với các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản tin tức….

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem