Nhà đầu tư "di cư" về vùng ven thành phố lớn, giá đất "leo thang"

21/09/2021 13:20 GMT+7
Hàng loạt các ông lớn săn tìm quỹ đất phát triển dự án ở ven các thành phố lớn, nhà đầu tư cá nhân cũng không kém cạnh khi đổ vốn theo sau. Giá bất động sản vùng ven vì thế cũng rục rịch nóng trở lại trong những tháng gần đây.

Từ năm 2020, khi quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang... ngày càng trở nên khan hiếm, giá đất theo đó ngày một tăng cao.

Nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng tìm đến những vùng đất mới, còn nhiều dư địa để phát triển dự án như Tây Nguyên, các tỉnh ven biển miền Trung, phía Tây Bắc hay các đô thị vệ tinh Hà Nội, TP.HCM... Kỳ vọng của doanh nghiệp là chuẩn bị chiến lược dài hơi về quỹ đất sau giai đoạn dịch Covid-19 và phục vụ mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Đơn cử như Novaland, từng phát triển hơn 50 dự án nhà ở tại trung tâm TP.HCM, trong những năm qua, "ông lớn" này cũng tích cực mở rộng quỹ đất ở nhiều địa phương vùng ven và hiện sở hữu tới hơn 5.400ha đất. Theo thông tin từ Novaland, chỉ riêng cho việc mở rộng quỹ đất ở Đồng Nai và các vùng lân cận TP.HCM, Novaland đã chi hơn 1 tỷ USD trong năm qua.

Hay tại Công ty cổ phần Vinhomes, với chiến lược tập trung phát triển các đại đô thị với quy mô dự án lớn, doanh nghiệp cũng không ngừng tìm kiếm và bổ sung quỹ đất theo hướng thận trọng, với chi phí và giá phù hợp.

Thông tin từ Chứng khoán BSC cho biết, tổng giá trị phát triển ròng (GDV) và tổng quỹ đất phát triển dự kiến của Vinhomes giai đoạn 2020 - 2025 ước tính lần lượt đạt khoảng 48,2 tỷ USD và 73 triệu m2.

Hay như, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh có chiến lược cụ thể trong việc mở rộng quỹ đất. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2025, doanh nghiệp dự kiến triển khai các khu đô thị với quy mô 100 - 200ha/dự án tại các đô thị loại I và loại II.

Cùng với việc các doanh nghiệp mở rộng quỹ đất, báo cáo từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho hay, suốt 2 tháng qua, một số thị trường tỉnh khu vực phía Bắc đang được nhà đầu tư quan tâm nhờ những hiệu ứng tích cực từ hạ tầng. Một số tỉnh như Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh với mức độ quan tâm tăng lần lượt 26%, 8% và 7%.

Nhà đầu tư "di cư" về vùng ven thành phố lớn - Ảnh 1.

Giao dịch tại nhiều dự án phân lô bán nền ở các tỉnh ven Hà Nội như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên đang khá sôi động. Ảnh: Nguyễn Hưng

Tương tự, thống kê của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng trong quý II/2021, mức độ quan tâm tới bất động sản nói chung tăng đến 37% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, nhu cầu tìm hiểu thông tin tăng mạnh sau các đợt dịch bùng phát. Ví dụ, sau làn sóng Covid-19 lần 3, mức độ quan tâm tới bất động sản tăng đột biến 378%, đạt gần 7 triệu lượt tìm kiếm/tuần, trong đó tập trung chủ yếu vào các thị trường vùng ven, chẳng hạn như Ba Vì (Hà Nội) là 33%; Quốc Oai (Hà Nội) và Hưng Yên là 32%; Bắc Ninh là 28%; Hải Dương là 19%...

Dự báo thị trường bất động sản vùng ven sẽ ít nhiều có khởi sắc trong giai đoạn cuối tháng 9 và đầu tháng 10 khi nhiều địa phương nới lỏng lệnh giãn cách và các thành phố lớn từ từ đi vào tái khởi động lại kinh tế.

Nhà đầu tư "di cư" về vùng ven thành phố lớn, giá đất "leo thang" - Ảnh 2.

Hoạt động mua bán sôi động tại một dự án nhà ở Bắc Giang. Ảnh: Toàn Nguyễ

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, đất nền ven đô, nhất là đất có sổ đỏ, đất nền đầy đủ pháp lý vẫn sẽ là "con gà đẻ trứng vàng" của thị trường bất động sản. Bởi ở thời điểm hiện tại, 2 phân khúc đáng để đầu tư nhất chính là căn hộ chung cư bình dân và đất nền ven đô, đất nền có sổ đỏ.

Tuy nhiên, trong năm 2021, nguồn cung căn hộ bình dân vẫn sẽ duy trì trạng thái khan hiếm. Do đó, đất nền ven đô, nhất là các mảnh đất có sổ đỏ sẽ hút dòng vốn rất mạnh. Thêm vào đó, sau biến động "sốt đất" mạnh và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giao dịch các sản phẩm trên thị trường đã có sự dịch chuyển rõ rệt.

Ở một góc nhìn khác, bà Lê Phương Lan, Trưởng Bộ phận Tư vấn Đầu Tư, Savills Hà Nội cho hay: "Khi quỹ đất tại các khu vực trung tâm Hà Nội, TP.HCM ngày càng khan hiếm, giá giao dịch đã trở nên quá cao khiến các mô hình đầu tư không còn hiệu quả.

Do đó nhu cầu và dòng tiền của các nhà phát triển dự án, các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển ra các địa phương lân cận. Có hai yếu tố chính dẫn dắt nhu cầu hiện nay là: Kết nối giao thông tốt với khu vực nội đô và sự hiện diện của những nhà phát triển bất động sản dẫn dắt thị trường".

Minh Khôi
Cùng chuyên mục