Nhà đầu tư e ngại sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh, Trịnh Văn Quyết
Đó là một trong những nội dung được đề cập tại báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra từ 23/5 đến 16/6.
Nhà đầu tư e ngại sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh, Trịnh Văn Quyết và nhóm Louis
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.
Giai đoạn 2020 – 2021, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 09 vụ vi phạm hành vi thao túng thị trường chứng khoán với số tiền phạt 9,6 tỷ đồng.
Quý I/2022, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt về hành vi thao túng giá cổ phiếu đố với 2 trường hợp với số tiền phạt 1,2 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong tháng 3-4/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã liên tiếp ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh "thao túng thị trường chứng khoán", "che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC cùng 04 cá nhân liên quan; và tội danh "thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty chứng khoán Trí Việt, CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Captial.
"Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công bố thông tin giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan; doanh nghiệp tăng vốn khống; một số công ty chứng khoán có dấu hiệu hỗ trợ các đối tượng thao túng giá cổ phiếu thông qua dịch vụ môi giới chứng khoán và cho vay giao dịch ký quỹ giá trị lớn…
Điều này dẫn đến một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, bền vững và bảo đảm tính toàn vẹn, minh bạch của thị trường chứng khoán cũng như mục tiêu nâng hạng thị trường", Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh.
Về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), năm 2021, tổng khối lượng TPDN phát hành đạt 637,117 nghìn tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 605,9 nghìn tỷ đồng, phát hành ra công chúng đạt 31,138 nghìn tỷ đồng .
Trong Quý I/2022, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 136,5 nghìn tỷ đồng. Đối với TPDN riêng lẻ, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là 02 nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm lần lượt 50,9% và 18,87%; các TCTD chiếm 4,9%, doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,2%, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chiếm 6,8% (tuy nhiên trong tháng 4/2022, trái phiếu của các TCTD phát hành chiếm 63,4%, trái phiếu của nhóm bất động sản giảm mạnh xuống mức 11,6%).
Theo Ủy ban Kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro do nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; một số trường hợp có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin công bố.
Ngoài ra, cơ cấu thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như cơ cấu nhà đầu tư còn tồn tại sự mất cân đối, việc phát hành của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế; hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp, nhất là của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu chưa niêm yết, các dự án, tài sản hình thành trong tương lai, khó xác định giá trị hợp lý; việc thiếu các thông tin về xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ, minh bạch thông tin doanh nghiệp và thị trường còn hạn chế dẫn đến rủi ro lớn trên thị trường vốn hiện nay.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.
Đồng thời, cần làm rõ vướng mắc, bất cập trong thời gian qua xuất phát từ Luật Chứng khoán hay từ các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó hoàn thiện hoặc có kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tạo khung thể chế hiệu lực, hiệu quả để phát triển bền vững thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Ngoài ra, cũng có ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng và cần khơi thông phát triển.
Ủy ban Kinh tế đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ.
Làm rõ nguyên nhân "sốt" bất động sản
Đối với thị trường bất động sản, tại Ủy ban Kinh tế có ý kiến cho rằng nguyên nhân tăng giá thị trường bất động sản đến từ nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng từ những vướng mắc thủ tục và các lệnh rà soát; các giải pháp để hạ nhiệt được sốt đất cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Có ý kiến đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn, như sản phẩm không đủ điều kiện để bán, tính pháp lý kém như phân lô, bán nền bừa bãi; đồng thời cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu trong hệ thống theo hướng loại bỏ mọi xung đột lợi ích trên thị trường, quy định rõ tổ chức, định chế nào được tư vấn, tổ chức nào được xếp hạng tín nhiệm, tổ chức nào được mua bán sản phẩm nợ.
Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện có hiệu quả các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.