Nhà kinh tế Saxo Bank chỉ ra 2 vấn đề kinh tế nóng nhất năm 2020

09/12/2019 19:32 GMT+7
Nhà kinh tế học từ Saxo Bank mới đây vừa liệt kê một số vấn đề kinh tế hàng đầu trong năm 2020 bao gồm bất bình đẳng giàu nghèo và biến đổi khí hậu.
Nhà kinh tế Saxo Bank chỉ ra 2 vấn đề kinh tế nóng nhất năm 2020 - Ảnh 1.

Biến đổi khí hậu được dự đoán là một trong những vấn đề kinh tế nóng nhất 2020

“Nhìn một cách toàn diện, vấn đề biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giàu nghèo sẽ thực sự trở thành điểm nóng trong năm 2020”- trích lời nhà kinh tế học Saxo Bank Steen Jakobsen. “Nó sẽ là tâm điểm những chương trình nghị sự làm thay đổi đáng kể cách nhìn của chúng ta về mọi thứ”.

“Tuy nhiên, các quốc gia khó mà tìm thấy sự đồng thuận trong những vấn đề này. Có một sự thực rằng các vấn đề đều trở nên tồi tệ đi trước khi chúng được giải quyết êm thấm. Và biến đổi khí hậu hay bất bình đẳng các tầng lớp xã hội cũng tương tự như vậy”.

“Vấn đề bất bình đẳng sẽ trầm trọng hơn do xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ” - ông Jakobsen cho hay. “Thực tế về bản chất, sự bất bình đẳng mà chúng ta thấy mỗi ngày là cách con người phân biệt đối xử với nhau qua chính sách tiền tệ”.

Các ngân hàng Trung Ương trên thế giới đã liên tục cắt giảm lãi suất trong nhiều tháng qua nhằm kích thích nền kinh tế trong bối cảnh bất ổn thương mại đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu và nguy cơ suy thoái cận kề. Những bất ổn địa chính trị như chiến tranh thương mại Mỹ Trung, khủng hoảng Brexit hay biểu tình ở Hồng Kông… được cho là nguyên nhân làm ảm đạm triển vọng kinh tế thế giới.

“Khi lãi suất càng thấp, các ngân hàng càng điều tiết nhiều vốn hơn, qua đó tăng tỷ lệ tiếp cận vốn của các cá nhân trong nền kinh tế. Chính sách tiền tệ hiện nay lỏng lẻo đến mức nó không chỉ làm tăng vấn đề bất bình đẳng giữa các thế hệ, mà còn dấy lên vấn đề bất bình đẳng trong toàn xã hội. Chính hệ thống ngân hàng đang bị chính sách tiền tệ tấn công ngược trở lại” - nhà phân tích kinh tế nhận định.

Nhận định về lĩnh vực năng lượng tái tạo và đầu tư vào lĩnh vực này, ông Jakobsen nhận định rằng chính các công ty dầu khí sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển khai thác nguồn năng lượng mới. Lý do là những doanh nghiệp dầu khí không chỉ sở hữu dòng tiền dồi dào, kiến thức công nghệ trong lĩnh vực năng lượng mà còn có kinh nghiệm lâu năm về những dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng khai thác trong dài hạn. “Điều đó nghĩa là “nền kinh tế đen” và “nền kinh tế xanh” phải thực sự song hành cùng nhau để phát triển một nền tảng cơ sở hạ tầng đáng tin cậy. Đó chính là động lực cho những nỗ lực kiềm chế biến đổi khí hậu hiện nay”.

Một bài toán khó giải khác trong vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay là sự đồng lòng và nỗ lực cam kết của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, điều mà ông Jakobsen cho là khó mà đạt được. Một minh chứng tiêu biểu là hiệp định Paris về biến đổi khí hậu từng được ký kết bởi 197 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt toàn cầu không vượt quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để làm được điều này, thỏa thuận kêu gọi các quốc gia cắt giảm tới một nửa lượng khí CO2 phát thải vào năm 2030, đồng thời thúc đẩy các nước giàu đóng góp khoản ngân sách khoảng 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ hệ thống năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo bền vững.

Thế nhưng cho đến nay, mục tiêu này khó lòng đạt được khi các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc vẫn cần phát thải lượng lớn CO2 để chạy theo mục tiêu phát triển công nghiệp. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cam kết của New Delhi về việc cắt giảm 35% lượng khí phát thải từ nay đến năm 2030 là bất khả thi. Hay Bắc Kinh cũng cam kết cắt giảm 60-65% lượng phát thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP cho đến năm 2030, nhưng mục đích tăng trưởng của chính quyền Trung Quốc rõ ràng lớn hơn nhu cầu chống biến đổi khí hậu. Với khát vọng vươn lên thành siêu cường, Trung Quốc khó lòng dừng lại đà phát triển hiện tại vì những gì đã cam kết tại Hiệp định Paris. 

Hay Mỹ, quốc gia từng ký hiệp định Paris dưới thời Tổng thống Barack Obama, theo đó cam kết cắt giảm 26-28% lượng phát thải trong nền kinh tế. Nhưng sau khi Tổng thống Donald Trump kế nhiệm, ông quyết định rút lại cam kết này bất chấp thực tế khoảng 13% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu có nguồn gốc từ Mỹ. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục