Tương lai nhân loại đang nằm trong 4 công nghệ chống biến đổi khí hậu này!

06/07/2019 17:35 GMT+7
Khi nhân loại tiến đến những bước nhảy vọt trong phát triển, thì lượng khí thải trên toàn cầu, điều đang gây ra biến đổi khí hậu và những tác động nặng nề, trở thành thách thức lớn.

Cách mạng công nghiệp với những tiến bộ toàn diện trên nhiều lĩnh vực KHCN giúp loài người đạt được những thành tựu phát triển đáng kinh ngạc. Chúng ta có la bàn cho những chuyến đi biển an toàn, có bóng đèn điện đẩy lùi bóng tối, có tiêm chủng và kháng sinh cứu sống con người khỏi bệnh dịch hoành hành. Năng suất sản xuất tăng vượt trội nhờ máy móc và công nghệ, thậm chí người ta thực hiện được giấc mơ bay trên bầu trời, với những chiếc máy bay đã quá quen thuộc.

Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Khi nhân loại tiến đến những bước nhảy vọt trong phát triển, thì lượng khí thải trên toàn cầu, điều đang gây ra biến đổi khí hậu và những tác động nặng nề, trở thành thách thức lớn. Lượng khí thải carbon đâm thủng bầu ozone, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm nguồn nước do hoạt động của các nhà máy, băng tan chảy ở hai cực, diễn biến thời tiết kỳ lạ mỗi năm… Thiên nhiên đã nổi giận.

Đã có nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường được các tổ chức toàn cầu đặt ra vì mục tiêu phát triển bền vững của thế giới, chứ không phải phát triển nóng. Những nguồn năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời, điện… được chú trọng các chương trình chống biến đổi khí hậu. Những dòng xe điện đầu tiên trên thế giới đã được vận hành. Nhưng rõ ràng, các tấm pin mặt trời, tua-bin gió và xe điện là không đủ. Nỗ lực giảm lượng phát thải CO2 của các quốc gia mới là tâm điểm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Dưới đây là 4 xu hướng chống biến đổi khí hậu đang được thế giới nỗ lực nghiên cứu và phát triển.

Các nguồn năng lượng tái tạo

Ảnh chụp tại công viên năng lượng Arkona, biển Baltic, nước Đức

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung năng lượng toàn cầu. Một nhà máy điện mặt trời khổng lồ đang mọc lên giữa sa mạc Dubai, dự kiến sẽ cung cấp điện sạch cho UAE. Nhiều quốc gia phát triển đang xây dựng các kế hoạch tận dụng năng lượng gió đại dương khổng lồ để hạn chế dần các nguồn năng lượng từ than đá, xăng dầu, khí đốt...

Với công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, lưới năng lượng đang trở nên tốt hơn trong việc xử lý các thách thức khi phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn tái tạo, chẳng hạn như thiếu gió hoặc mặt trời khi một lượng lớn người tiêu dùng bắt đầu sưởi ấm hoặc điều hòa không khí. Nhưng chúng ta vẫn cần các nguồn điện sạch khác, chẳng hạn như năng lượng hạt nhân, để giúp giữ cho các hệ thống năng lượng tổng thể đáng tin cậy và có khả năng phục hồi.

Điện hạt nhân

Vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc có nên sử dụng điện hạt nhân thay thế các loại năng lượng hóa thạch như than đá, khí đốt… Nhưng một điều rõ ràng, điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch. Chi phí xử lý chất thải từ một nhà máy điện hạt nhân nhỏ hơn rất nhiều lần nhà máy than đá hay khí đốt cùng công suất, sức sản xuất lại lớn và không cần nhiều nguồn lực.

Ví dụ, công trình thủy điện lớn nhất thế giới, đập Tam Điệp của Trung Quốc có công suất khoảng 18 GW được xây dựng trên diện tích 1045 km2, trong khi nhà máy điện hạt nhân cùng công suất chỉ cần diện tích khoảng 1km2.

Ước tính, việc sử dụng năng lượng điện hạt nhân đã giúp nhân loại giảm khoảng 60 tỷ tấn khí thải CO2 trong 50 năm qua. Quan trọng hơn, năng lượng hạt nhân xuất phát từ việc phân tách các nguyên tử, do vậy nó gần như là vô tận.

Tuy nhiên, bất chấp những ưu điểm vượt trội, sự an toàn của điện hạt nhân vẫn là yếu tố quan trọng khiến nó gây tranh cãi và bị nhiều quốc gia phản đối sử dụng rộng rãi.

Năng lượng Hydro

Trong một thỏa thuận bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây, Mỹ, EU và Nhật Bản đã đồng thuận ký một thỏa thuận phát triển công nghệ năng lượng Hydro trong nỗ lực bảo vệ môi trường.

Năng lượng Hydro được sản xuất nhờ quá trình điện phân nước hoặc điện hóa phân rã nước, nhờ năng lượng mặt trời sẽ tạo ra nguồn năng lượng sạch và gần như vô tận. Đây cũng là công nghệ được sử dụng từ lâu trong các tàu con thoi của NASA và trên trạm không gian quốc tế. Một điều lý thú là phản ứng tạo năng lượng Hydro đồng thời sẽ tạo ra chất thải là nước sạch mà con người hoàn toàn có thể sử dụng.

Hiện đã có nhiều dòng xe sạch sử dụng pin năng lượng Hydro được phát triển và đưa vào sử dụng trên thế giới.

Cô lập carbon

Thu hồi CO2 là một phần quan trọng trong tiến trình chống biến đổi khí hậu

Công nghệ cô lập carbon với nguyên lý cô lập, lưu trữ, trung hòa CO2 đang trở thành một biện pháp hiệu quả trong việc làm giảm biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Thỏa thuận chung Paris đang thúc đẩy các quốc gia ký cam kết “mua lại” CO2 phát thải, lượng CO2 này sẽ được thu hồi CO2 làm giảm dần khí thải vào môi trường. Tuy nhiên, công nghệ hiện tại chỉ giúp thu hồi 30 triệu tấn CO2 hàng năm, trong khi thế giới cần lưu trữ tới 2,3 tỷ tấn CO2 vào năm 2040 để bắt kịp mục tiêu phát triển bền vững.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục