Nhà máy nước mặt Sông Đuống khánh thành giai đoạn 1: Nước sạch có rẻ?
Nước mặt có hơn nước ngầm?
Theo thông tin từ chủ đầu tư, nhà máy nước mặt Sông Đuống (NMNM Sông Đuống) có quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65 ha, mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 5000 tỷ đồng với 2 phân kỳ: Phân kỳ 1 khánh thành tháng 10.2018 với công suất 150.000m3/ngày đêm; Phân kỳ 2 có công suất 300.000m3/ngày đêm, đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người chiếm 1/3 dân số Hà Nội.
Từ khi đưa vào vận hành phân kỳ 1 tháng 10/2018 với công suất phát bình quân 120.000 m3/ngày đêm - 130.000m3/ngày đêm, NMNM Sông Đuống đã cung cấp nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, Quận Long Biên, Quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam Thành phố bao gồm: Quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.
Sau khi khánh thành phân kỳ 2, hoàn thành giai đoạn 1, NMNM Sông Đuống được kỳ vọng sẽ dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao ở số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên…
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch TP. Hà Nội trao chứng nhận công trình kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ Đô cho bà Đỗ Thị Kim Liên, chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Ngoài ra, có những điểm nằm trong kế hoạch thay thế chủ lực việc sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng như hệ thống giếng ngầm của các nhà máy nước phía Nam tại nút Pháp Vân.
Bên cạnh đó, cung cấp bổ sung cho các khu vực khó khăn cuối nguồn nước như Xa La, quận Hà Đông, một số xã huyện Thanh Trì dọc trên đường QL 70 thông qua các Cty cấp nước phân phối trên địa bàn Hà Nội như Cty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Cty CP Nước sạch số 2 Hà Nội, Cty CP VIWACO, Cty TNHH MTV nước sạch Hà Đông…
Bà Đỗ Thị Kim Liên, chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống cho biết: “Mục tiêu, khát vọng của NMNM Sông Đuống là mang nguồn nước sạch sinh hoạt đến toàn bộ những khu vực thiếu nước của Thủ Đô và những tỉnh lân cận. Chúng tôi khẳng định nếu UBND TP Hà Nội và các tỉnh khác đặt hàng, cứ mỗi 12 tháng, chúng tôi có thể cung cấp thêm 150,000m3 nước sinh hoạt sạch mỗi ngày đêm.”
Ngoài ra, bà Liên thông tin thêm, NMNM Sông Đuống đã giữ đúng cam kết phát nước phân kỳ 1 vào tháng 10.2019 và về đích toàn giai đoạn 1 sớm 16 tháng.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành giai đoạn 1, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự án NMNM Sông Đuống có công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn nước cao nhất được kỳ vọng sẽ là giải pháp về vấn đề nguồn nước cho thủ đô.
“Những năm gần đây, cứ đến mùa khô, các phương tiện thông tin đại chúng thường phản ánh, tại một vài nơi trên địa bàn Hà Nội người dân thiếu nước sinh hoạt, thành phố luôn phải túc trực các xe tép để cung cấp. NMNM Sông Đuống với công suất lớn sẽ giúp giải quyết tình trạng trên.” Ông Chung nói.
Được biết, dự án nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, với 2 phân kỳ gồm công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước công suất 150.000m3 nước/ngày đêm trên diện tích gần 61,5ha. Bên cạnh đó, tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km, sử dụng ống truyền tải và cấp 1 là ống HDPE và ống gang có đường kính từ 800 - 1.600mm.
Bình quân, nhà máy nước sông Đuống có suất đầu tư trên 16,6 triệu đồng/m3. Giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án này là 9.289đ/m3, lộ trình tăng giá bán nước là 5%/năm (14 năm).
Đây là con số lớn so với các dự án nước ngầm, giá bán cũng ở mức cao hơn gần gấp đôi. Cụ thể, so sánh với dự án nước sông Đà hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác ngày 19/8/2008, có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, công suất nhà máy xử lý nước là 300.000m3/ngày.
Tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án nước sông Đà sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh dài 46km, đường kính ống từ 1.500 - 1.800mm. Tính bình quân, dự án nước sông Đà có suất đầu tư xấp xỉ 4,83 triệu đồng/m3 nước, giá bán nước của dự án này là gần 5.000đ/m3.
Người dân có được sử dụng nguồn nước sạch, rẻ?
Ông Đỗ Văn Định, giám đốc quản lý dự án NMNM Sông Đuống cho biết, hiện tại, các nhà máy nước ở Việt Nam có 2 loại, cung cấp từ nước ngầm và nước mặt, trong đó, xử lý từ nước ngầm chiếm đến 70%.
Với tổng mức đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng là con số lớn cho một dự án dân sinh, giá bán ra lại phụ thuộc vào quyết định của UBND Tp. Hà Nội. Cụ thể, khi phê duyệt dự án, Hà Nội đã có quyết định giá tạm tính là 10.264 đồng/m3 nước cho nhà máy.
Nguồn nước đầu nguồn sông Hồng được đánh giá có nguy cơ ô nhiễm cao.
Theo bà Liên cho biết, để đầu tư nhà máy nước một phần là vốn tự có, phần còn lại thì vay ưu đãi của nước ngoài, ngoài ra vay của các ngân hàng, tỉ lệ vốn vay trên tổng mức đầu tư khoảng 60%. Ngoài ra, giá nước hiện tại ở mức tạm tính của TP.Hà Nội, khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán sẽ định ra một mức giá hợp lý cuối cùng.
“Với mức đầu tư như vậy thì giá nước phải đi cùng với giá đầu tư. Điều đáng nói, chúng tôi đang bị so sánh với giá nước ngầm. Điều này là bất công. Thực sự với giá nước này doanh nghiệp còn đăng rất trăn trở, phải gồng mình vì vẫn phải đi vay lớn, thậm chí chúng tôi vẫn đang chịu lỗ.” bà Liên nói.
Bên cạnh đó, việc dự án sử dụng nguồn nước mặt ở sông Đuống bắt nguồn từ sông Hồng, đi qua các khu vực có nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, với nhiều nhà máy và khu công nghiệp tại thượng nguồn để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 30.5.2019, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Phó tư lệnh Quân khu 2) cho biết: “Vấn đề môi trường trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã tới lúc cần quan tâm, nhiều sông, suối ở biên giới đang bị ô nhiễm.”
Trước đó, chiều 31/03/2019, cá trên sông Hồng đoạn cầu Cốc Lếu, thành phố Lào Cai (nối với Trung Quốc) đã chết hàng loạt, nghi do ô nhiễm nguồn nước. Gần 5 năm trước, tháng 08.2016, UBND tỉnh Lào Cai đã phải báo cáo Chính phủ về thực tế nước sông Hồng từ biên giới phía Trung Quốc đổ qua Lào Cai về xuôi ngày càng ô nhiễm.
Những cảnh báo về sự ô nhiễm từ thượng nguồn sông Hồng đã có từ hơn 10 năm, trước khi dự án NMNM sông Đuống khởi công. Tuy nhiên, nhà máy này vẫn được xây dựng và sử dụng nguồn nước mặt có nguy cơ ô nhiễm rất cao, để sản xuất ra “nước sạch”.
Theo các chuyên gia đánh giá, việc xử lý nguồn nước ô nhiễm từ nước mặt của hầu hết các dòng sông thành nước sinh hoạt đều có thể được. Tuy nhiên, nguồn nước càng phức tạp, ô nhiễm, số tiền phải bỏ ra để xử lý ra nước sạch càng lớn, tác động đến giá thành mua nước của người dân.