Nhật Bản, Hàn Quốc săn mua, giá một loại viên nén của Việt Nam tăng sốc, đạt gần 200 USD/tấn

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 31/12/2022 18:31 PM (GMT+7)
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2022 ghi nhận sức bật của những sản phẩm mới như viên nén, dăm gỗ, đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này tiếp tục lập kỷ lục.
Bình luận 0

Viên nén, dăm gỗ giúp xuất khẩu gỗ năm 2022 lập kỷ lục

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, đáng chú ý, sức bật của những "tân binh" như viên nén, dăm gỗ.

Cụ thể, xuất khẩu viên nén trong tháng 11/2022 đạt 88,5 triệu USD, tăng tới 146,4% so với tháng 11/2021. Lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu viên nén đạt 682,1 triệu USD, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nhật Bản, Hàn Quốc mua trên 90% lượng viên nén của Việt Nam. 

Trị giá xuất khẩu dăm gỗ đạt 2,46 tỷ USD, tăng 54,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tình trạng khan hiếm năng lượng ở nhiều nước trên thế giới đang gia tăng là yếu tố chính thúc đẩy xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ của Việt Nam tăng trưởng tốt.

Nhật Bản, Hàn Quốc săn mua, giá một loại viên nén của Việt Nam tăng sốc, đạt gần 200 USD/tấn - Ảnh 1.

11 tháng năm 2022, xuất khẩu viên nén đạt 682,1 triệu USD, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nhật Bản, Hàn Quốc mua trên 90% lượng viên nén của Việt Nam. Ảnh: Đ.H

Đáng chú ý, giá viên nén gỗ tăng từ 110 USD/tấn trong năm 2021 lên 195 USD/tấn trong năm 2022; giá dăm gỗ tăng từ 130 USD/tấn trong năm 2021 lên 200 USD/ tấn trong năm 2022. Các yếu tố tích cực về giá giúp xuất khẩu dăm gỗ tăng 60,8% và xuất khẩu viên nén gỗ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Bộ NNPTNT đánh giá, nguyên nhân giá bán viên nén gỗ, dăm gỗ tăng như trên là do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến nguồn cung khi đốt bị đứt gãy, nhiều nước châu Âu tiến hành tích trữ viên nén gỗ để sưởi ấm trong mùa đông. 

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (3 nước tiêu thụ trên 85% lượng dăm của thế giới) không mua dăm gỗ từ các thị trường xuất khẩu dăm gỗ lớn như Australia, Chile, Nam Phi, Brazil mà quay sang mua của Việt Nam.

Bên cạnh những "tân binh" như viên nén, dăm gỗ thì đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao, trị giá xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng năm 2022 đạt 9,2 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Mỹ, tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này tại Mỹ chậm lại bởi ảnh hưởng lạm phát cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên trị giá xuất khẩu chung của mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ chỉ tăng nhẹ trong 11 tháng năm 2022 (trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tăng 17,8%). 

Các thị trường nhập khẩu chính trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada đều tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong 10 tháng năm 2022, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đều giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Bán tín chỉ các bon, cộng đồng nhận hỗ trợ sinh kế - Ảnh 1.

Người dân huyện Anh Sơn (Nghệ An) tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: P.V

Mục tiêu xuất khẩu gỗ năm 2023: 17,5 tỷ USD

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5-5,5%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định khoảng 42%; giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD; trồng rừng tập trung 245.000 ha, trong đó, có 240.000 ha trồng rừng sản xuất; thu dịch vụ môi trường rừng 3.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị lãnh đạo Bộ xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phê duyệt Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014-NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Về phía Tổng cục Lâm nghiệp, ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, ngành sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu và triển khai Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giải đoạn 2021 – 2030; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem