Nhiều địa phương ở Phú Thọ vẫn loay hoay trên hành trình đi tìm sản phẩm OCOP

Hoan Nguyễn Thứ ba, ngày 27/09/2022 05:06 AM (GMT+7)
Hiện Phú Thọ có 105 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh những địa phương đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP, vẫn có những nơi đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng.
Bình luận 0

Xây dựng OCOP thiếu… đủ thứ

Ông Nguyễn Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Giáp Lai (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, sản xuất nông nghiệp của xã còn theo kiểu mỗi gia đình một thế mạnh. Nhìn ra cánh đồng, nào lúa, khoai, sắn, rau, mía…, thứ gì cũng có nhưng để thống kê xem có sản phẩm nông nghiệp nào đặc hữu, có quy mô lớn thì vẫn chưa có.

Ngoài ra, diện tích manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, khả năng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài.

Bủa vây khó khăn trong xây dựng OCOP ở Phú Thọ - Ảnh 1.

Một số sản phẩm OCOP của địa phương có quy mô sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất. Ảnh: Hoan Nguyễn

Để có thể xây dựng thành công đặc sản địa phương thành sản phẩm OCOP, thời gian tới, xã Giáp Lai sẽ tập trung xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của địa phương.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất, thành lập tổ hợp tác liên kết đưa sản phẩm ra thị trường.

Bủa vây khó khăn trong xây dựng OCOP ở Phú Thọ - Ảnh 2.

Sản phẩm OCOP mì gạo Hùng Lô của HTX Hùng Lô đã có chỗ đứng tiêu thụ nhất định trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên hiện nay, HTX đang gặp khó khăn trong tiếp cận sản phẩm ra thị trường cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: Hoan Nguyễn

Anh Cao Đăng Duy, Giám đốc HTX mì gạo Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Để duy trì, nâng cấp sản phẩm OCOP, HTX gặp nhiều khó khăn như hoàn thiện mặt bằng xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng sản xuất, xây dựng mối liên kết từ nguồn nguyên liệu gạo đầu vào...

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các sản phẩm hàng nhái lấy thương hiệu mì gạo Hùng Lô trên thị trường, việc tìm kiếm cơ hội và điều kiện để xuất khẩu được sản phẩm ra thị trường quốc tế...

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX Đỗ Xuyên (xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) cho biết, năm 2021, HTX Đỗ Xuyên có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Tuy nhiên, hoạt động của HTX Đỗ Xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Thiếu lao động trẻ, nhất là lao động có kỹ thuật; các hộ thành viên sản xuất hoàn toàn thủ công; cơ sở hạ tầng của HTX còn hạn chế, thiếu máy móc hiện đại, công nghệ mới.

Đặc biệt, HTX thiếu nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng, nhà kho, nhà trưng bày sản phẩm chuyên biệt, đồng bộ...

Cần sự đồng bộ để xây dựng OCOP hiệu quả

Ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thanh Sơn cho biết, thực hiện chương trình OCOP, hàng năm huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các địa phương rà soát các sản phẩm có tính đặc trưng, độc đáo, đảm bảo chất lượng, quy mô sản xuất để xây dựng kế hoạch cụ thể, từ đó phân công nhiệm vụ để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng OCOP gặp nhiều khó khăn. Trong đó chủ yếu các sản phẩm OCOP của huyện chưa tạo thành hàng hóa tập trung; quy trình chăm sóc, thâm canh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh chưa đồng bộ; chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều.

Bủa vây khó khăn trong xây dựng OCOP ở Phú Thọ - Ảnh 3.

Tỉnh Phú Thọ vừa công nhận 27 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2022. Ảnh: Hoan Nguyễn

Theo ông Mạnh, để khắc phục những khó khăn, xây dựng được thị trường đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP, cần thực hiện các giải pháp chiến lược, đồng bộ. Đối với các chủ thể cần bỏ tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng.

Các ngành chức năng cần làm tốt công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP. Đồng thời, sớm hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường; thực hiện mối liên kết "4 nhà" theo chuỗi giá trị; phát triển đa dạng các kênh phân phối, đưa sản phẩm OCOP vươn xa…

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Phú Thọ nhấn mạnh, trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ phải chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo quy định.

Đồng thời, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung triển khai lồng ghép các chính sách của tỉnh, địa phương để hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trao đổi, thông tin kết nối với các thị trường ngoài tỉnh.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh việc chú trọng xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP trong thời gian tới là rất quan trọng.

Để việc này không hình thức, có ý nghĩa thực tế, theo ông Tuấn, công tác truyền thông cần đi trước một bước. Làm sao khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, của cộng đồng địa phương để bảo tồn, phát triển sản phẩm đó. Làm sao để các cơ quan quản lý nhà nước thấy trách nhiệm của mình trong triển khai OCOP.

"Phát triển OCOP không phải mỗi việc của ngành nông nghiệp, mà cần đặt trong thể thống nhất, là vấn đề văn hóa, vấn đề du lịch, vấn đề xúc tiến thương mại, vấn đề sức khỏe con người, vấn đề tạo dựng sức mạnh mềm của địa phương, của quốc gia.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp cho sản phẩm OCOP tồn tại, phát triển. Xúc tiến thương mại cần có điểm ưu tiên, tôn vinh cho các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện đặc sắc bản địa", ông Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem