Nhiều năm mỏi mòn kiến nghị, quy định bổ sung bổ sung iod, sắt, kẽm vẫn làm khó doanh nghiệp

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 12/11/2021 14:00 PM (GMT+7)
Sau nhiều năm mỏi mòn kiến nghị, Nghị định 09 quy định áp đặt bổ sung bổ sung iod, sắt, kẽm vẫn làm khó doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Bình luận 0

Nguyên nhân là quy định áp đặt bổ sung vi chất dinh dưỡng như iod, sắt, kẽm trong chế biến thực phẩm theo Nghị định 09 năm 2016 khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí nhưng thiếu hiệu quả và không phù hợp thông lệ quốc tế.

Nhiều bất cập làm khó doanh nghiệp 

Cần thiết phải sớm sửa đổi Nghị định 09 (NĐ 09) là nội dung chính tại hội thảo về thực trạng và kết quả tác động trong 5 năm thực hiện quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm, do Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM tổ chức ngày 12/11 tại TP.HCM.

Quy định muối dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iod (i-ốt) có hiệu lực năm 2017. Còn quy định bột mì dùng trong chế biến thực phải được tăng cường sắt, kẽm có hiệu lực tác dụng vào nước ta 2018.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, 2 quy định này là căn cứ vào NĐ 09 năm 2016 của Chính phủ.

Thực tế, ngay khi NĐ 09 được ban hành, các quy định này đã và đang tiếp tục gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh.

Một doanh nghiệp chế biến nước mắm truyền thống ở Phú Quốc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một doanh nghiệp chế biến nước mắm truyền thống ở Phú Quốc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Hồ Kim Liên – Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc kể, nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ ở thị trường Châu Âu.

Tất cả nguyên liệu làm mắm truyền thống là hợp pháp và có nguồn gốc tự nhiên. Quá trình ủ chượp không được dùng hóa chất khác, chỉ có cá và muối lên men tự nhiên.

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19, chỉ đạo Bộ Y tế "nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung NĐ 09 theo hướng: (i) bãi bỏ quy định "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iot"; (ii), bãi bỏ quy định "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường kẽm và sắt". Thay vào đó chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.

Nhưng thực tế cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có nghị định sửa đổi, thay thế chính thức NĐ 09.

Như vậy, sau Nghị quyết 19, bản chất của quy định về pháp luật vẫn không thay đổi. Và các điều khoản bất cập vẫn tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp.

"Nếu phải thêm iod vào trong quá trình chế biến, sẽ không đảm bảo màu và vị của sản phẩm đã được bảo hộ", bà Liên nói.

Bà Phạm Minh Thị Trang – Trưởng phòng quản lý chất lượng sản phẩm của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) cho biết, iod rất nhạy cả với nhiệt và ánh sáng.

Thực hiện đúng quy định, Vissan công bổ sung iod vào thực phẩm chế biến. Nhưng khi hậu kiểm thì sản phẩm không còn sự có sự hiện diện của iod. Trong khi, việc bổ sung này làm tăng chi phí đầu vào thêm 5%.   

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) kể, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải cam kết với đối tác là: Sản phẩm không sử dụng muối có iod.

"Như vậy, quy định bắt buộc bổ sung iod vào thực phẩm là không phù hợp với các cộng đồng khác, quốc gia khác mà trước hết là đối tác của doanh nghiêp", ông Nam nói.

Chỉ khuyến khích chứ không nên áp đặt

Bà Huỳnh Kim Chi – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Bột Mì cho biết, công ty chuyên sản xuất bột trộn sẵn, là một nguyên liệu đầu vào chứ không phải sản phẩm cuối cùng.

Việc bổ sung vi chất là không cần thiết vì thị trường không có nhu cầu. Doanh nghiệp phải đội thêm chi phí không cần thiết.

Các vi chất này còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì nhiều người không có nhu cầu bổ sung.

Bà Huỳnh Kim Chi đề nghị NĐ 09 bắt buộc bổ sung sắt kẽm nay nên thay bằng hình thức khuyến khích. Việc bổ sung vi chất không đúng cách và quy định đang gây ra nhiều hệ lụy.

Bên trong nhà máy chế biến thực phẩm công ty Vissan. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bên trong nhà máy chế biến thực phẩm công ty Vissan. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thế Thành cho biết trên thế giới có khoảng 2,2 tỷ người thiếu iod. Ở Việt Nam cũng có một bộ phận dân cư thiếu iod nhưng chủ yếu là ở miền cao nguyên và nông thôn. Đây là mới là đối tượng cần thiết phải bổ sung vi chất iod.  

Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền tác dụng của iod để người dân hiểu. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trong phạm vi cụ thể chứ không phải toàn bộ sản phẩm.

Ngược lại doanh nghiệp cũng có trách nhiệm với chính sách dinh dưỡng của quốc gia. Theo đó, một số sản phẩm có thể phải bổ sung iod như: nước mắm công nghiệp và bột nêm.

Việc bổ sung kẽm vào bột mì thực chất để cải thiện tầm vóc trẻ em nhưng đang cho thấy nhứng bất cập. Bánh mì làm từ bột mì là một ví dụ.

Bánh mì có rất nhiều ở đô thị nhưng người đô thị không thiếu kẽm. Trong khi người dân nông thôn mới cần bổ sung kẽm vào bột mì thì bánh mì ít có hơn ở nông thôn, miền núi.

"Chính sách quốc gia về sức khỏe cộng đồng là đung nhưng cũng phải hợp lý, và có tính tương tác qua lại với doanh nghiệp thay vì lệnh áp đặt", Chuyên gia Vũ Thế Thành nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem