Thiếu container, quy định bất cập làm khổ doanh nghiệp thủy sản

08/07/2021 15:14 GMT+7
Tình trạng thiếu container và các quy định kiểm dịch thủy sản nhập khẩu ẩn chứa nhiều bất cật khiến các doanh nghiệp trong ngành “lao đao” thời gian qua.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (hội viên Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP), thời gian qua, các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2 - 10 lần. Trong đó, giá thuê container và phụ phí liên tục tăng "phi mã".

Trước đó, từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả cont hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến. Điển hình, giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont, đến tháng 12.2020 là 5.000 USD/cont, tháng 5.2021 vọt lên tới 9.100 USD/cont; Container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 có giá 1.800 USD/cont, đến tháng 12.2020 là 4.000 USD/cont, ghi nhận tới tháng 5 vừa qua đã tăng gấp đôi, lên 8.000 USD/cont.

Tuy nhiên, theo đại diện VASEP cho hay, mặc dù giá thuê cao như vậy nhưng thời gian qua, doanh nghiệp vẫn rất khó đặt được container do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Thiếu container, quy định bất cập làm khổ doanh nghiệp thủy sản - Ảnh 1.

Hàng loạt bất cập "bủa vây" doanh nghiệp thủy sản thời gian qua. (Ảnh: Dân trí)

"Ngay cả khi doanh nghiệp đã đăng ký được cont đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu rồi, nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục delay, hoãn chuyến, có nhiều tàu phải delay 4 - 5 lần (tương đương khoảng 10 - 15 ngày)/chuyến, gây việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu. Các đơn hàng phải giao để kịp quota nhưng tàu delay/hoãn dẫn đến chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, chi phí lưu cont ở cảng cũng tăng lên gấp nhiều lần", đại diện VASEP thông tin.

Cũng theo phản ánh từ phía các doanh nghiệp thủy sản, hiện tại, thị trường đang xuất hiện tình trạng "đấu giá" container. Cụ thể, do cước phí thuê tăng lên hàng ngày, do đó, hãng tàu sẵn sàng hủy booking (đăng ký) để chuyển cho công ty khác nếu có đơn vị trả cước cao hơn.

Trước thực trạng trên, đại diện VASEP đặt câu hỏi: Phải chăng đã có tình trạng "găm" container và chỗ trên tàu từ phía các hãng tàu để đẩy giá thuê container lên cao?

Theo đó, nếu không có các biện pháp kiểm soát, tình hình này sẽ kéo dài với chi phí vận tải biển và tình trạng container thiếu hụt tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản nói riêng cũng như các ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung.

Nói thêm về vấn đề bất cập với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho hay, quy định kiểm dịch thủy sản nhập khẩu chế biến thực phẩm hiện tại là biện pháp quá mức có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Cụ thể, sản phẩm thủy sản nhập khẩu chế biến làm thực phẩm (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền…) vẫn tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch quy định tại các thông tư của Bộ NN-PTNT gồm: Thông tư 26/2016, Thông tư 36/2018 và Thông tư 18/2018.

Theo các quy định này, 100% container hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra (hồ sơ, cảm quan) dù là nhập cho mục đích gì (gia công hàng xuất khẩu, hay tiêu dùng nội địa).

Thiếu container, quy định bất cập làm khổ doanh nghiệp thủy sản - Ảnh 2.

Có hay không tình trạng hãng tàu "găm hàng, thổi giá" container? (Ảnh: Báo Đầu tư)

Ngoài ra, việc lấy mẫu kiểm nghiệm áp dụng khi có nghi ngờ đối với hàng nhập để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu và 20% số lô, năm đối với hàng nhập để tiêu dùng nội địa.

Trong khi đó, theo thống kê, số lượng lô hàng vi phạm trong quá trình kiểm dịch các năm qua là vô cùng thấp. Cụ thể, năm 2017 chỉ 4/320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,001%. Năm 2018, chỉ có 6/183.831 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,01%. Năm 2019 không có tờ khai nào trong tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm. Nhưng các yêu cầu về kiểm dịch, tần suất kiểm dịch và số lượng lô hàng bị đưa vào diện kiểm dịch lại tăng dần lên từ 2010 đến nay.

Theo đó, ông Nam cho rằng, việc duy trì các đối tượng, danh mục "hàng chế biến dùng làm thực phẩm" phải kiểm dịch qua các năm và tại dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT là biện pháp quá mức, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục